Chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa
Các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững địa phương; đồng thời, giúp bảo tồn di sản cố đô, phát huy giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Cùng với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, cần thiết có cơ chế đặc thù và yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân lực để bảo đảm cân bằng giữa phát triển và bảo tồn bản sắc, di sản văn hóa.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp):Khai thác, phát huy toàn diện tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản Thừa Thiên Huế
Tôi tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đồng thời, khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Tuy nhiên, giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế cũng sẽ đặt ra thách thức lớn cho Huế. Khi phát triển Huế thành trung tâm sẽ thu hút lớn lượng người di dân đến, tạo nên áp lực về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm… Điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm cân bằng giữa phát triển gắn với giữ gìn bản sắc của Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, khi nâng từ một tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề lớn cần tính đến. Trong khi đó, việc thay thế, nâng cao chất lượng, trình độ không phải chuyện một sớm, một chiều, nhất là khi đặt trong bối cảnh cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế.
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh):Cần có cơ chế vượt trội cho thành phố Huế
Tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương nhằm tạo động lực phát triển mới cho địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đề án cần phải bám sát định hướng của Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Tôi rất mong muốn rằng, sau khi Quốc hội thông qua Đề án này, Huế sẽ trở thành một thành phố mang đặc sắc văn hóa riêng, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đây là thành phố du lịch và ở nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đã có mô hình này, xuất phát từ cố đô hoặc đô thị cổ với những nét đặc sắc về văn hóa riêng của dân tộc đó. Tôi cũng ủng hộ việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương để Huế có thể phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị, cần sớm ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố Huế và từ thực tiễn khảo sát thành phố Huế cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tôi thấy rằng, cần có những cơ chế rất vượt trội để có nguồn lực dồi dào cho đầu tư phát triển, gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô ở Huế, trong bối cảnh hiện nay ngân sách bố trí từ Trung ương rất khó khăn và tiềm lực hiện có của Thừa Thiên Huế trong dành nguồn lực để đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, tổ chức các hoạt động quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa… cũng rất khó khăn. Vì thế, cần có cơ chế vượt trội ở chỗ này để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế phát triển trong thời gian tới.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông):Nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng
Tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt Cố đô Huế nói riêng là di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, có rất nhiều đặc điểm riêng biệt về văn hóa, lịch sử với giá trị đặc sắc. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để Thừa Thiên Huế triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị tỉnh, Chương trình phát triển đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó, tạo ra một mô hình đô thị đặc trưng của Việt Nam đó là đô thị văn hóa di sản quốc gia với đặc trưng văn hóa, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững. Đồng thời, là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tuy nhiên, định hướng phát triển này cũng đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như: khu vực Kinh thành Huế, khu vực lân cận các điểm di tích, dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn gìn giữ, bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà Cố đô đang sở hữu. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho đất nước. Trong đó, thành phố Huế trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chắc chắn thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, gắn với đó là việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều công việc khác phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích không nhỏ đất nông lâm nghiệp. Vì vậy cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vì đây là những nhóm rừng rất đặc biệt. Ngoài ra, cân nhắc lấy đất trồng lúa chuyển thành những đất khác bởi còn liên quan đến an ninh lương thực, nếu có thì cần phải giới hạn trong tầm kiểm soát và phải nằm trong tổng thể quy hoạch đất trồng cây lương thực, bảo đảm cho an ninh lương thực quốc gia.