Theo các nhà nghiên cứu sử học, truyền thống xưa không đặt nặng về mâm cúng mặn trong Trung Thu như ngày rằm tháng 7 hay Tết cổ truyền. Ẩm thực đặc trưng của ngày này là mâm bánh trái để trẻ nhỏ phá cỗ, vui Trung Thu. Ảnh: MA.
Mâm bánh trái có rất nhiều hoa quả, bánh kẹo, đồ chơi mà trẻ nhỏ thích, vì thế không nhất thiết phải đặt vào mâm như cỗ cúng gia tiên, chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng. Đây cũng là dịp để những người phụ nữ trổ tài nữ công gia chánh, trang trí sao cho mâm quả của nhà mình đẹp mắt, hấp dẫn.
Trái cây cúng rằm Trung Thu thường có chuối chín vàng, quả hồng (ý nghĩa no đủ), quả na (có nhiều mắt mang ý nghĩa sinh sôi), bưởi (mang ý nghĩa cầu điềm lành), quả lựu (may mắn). Ngoài ra, các loại quả trong mâm cỗ truyền thống thường có cả quả xanh, quả chín, mang ý nghĩa âm - dương hòa hợp, cân bằng theo quan niệm người xưa.
Bên cạnh trái cây, bánh Trung Thu là món không thể thiếu. Bánh Trung Thu gồm có bánh nướng và dẻo. Hai loại bánh này thường có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời đất, hoặc có thể là hình cá chép, hay chú lợn béo tròn. Ngoài ra, trà hoa sen, trà hoa nhài… cũng được dùng khi thưởng bánh, trò chuyện tâm tình dưới trăng.
Trước đây, các món bánh được bày lên mâm thường là các loại bánh quy, bánh làm từ bột gạo có hình các con giống. Ngoài ra, còn có các loại hoa quả đặc trưng cho mùa thu như bưởi, na, chuối chín trứng cuốc, cốm... Ảnh: Quỳnh Trang.
Phụ nữ khéo tay có thể cắt tỉa bưởi, dưa hấu thành hình các con vật với mục đích tạo niềm vui, thích thú cho trẻ nhỏ. Rằm Trung Thu cũng là thời điểm học sinh vừa bước vào năm học mới nên người xưa có tục lệ cúng tiến sĩ giấy với mong muốn trẻ con học hành tiến tới, đỗ đạt. Về khuya, thiếu nhi phá cỗ, còn tiến sĩ giấy được để trên bàn học. Ảnh: Việt Linh.
Các loại đèn trang trí bày cùng mâm bánh trái gồm đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, đèn con thỏ... Ngoài ra, với mâm cỗ cúng mặn, các gia đình muốn làm món gì thì cúng tổ tiên món đó, không cần câu nệ, rườm rà.
Kiều Trang