Chuẩn bị nhiều phương án cho năm học mới

Năm học 2021-2022 đang cận kề, nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Báo Phú Yên phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế xung quanh nội dung này. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế nói:

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế. Ảnh: TRUNG HIẾU

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế. Ảnh: TRUNG HIẾU

- Mặc dù một số địa phương trong tỉnh vẫn còn đang giãn cách xã hội, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện khai giảng năm học mới đúng vào ngày 5/9 theo khung năm học của Bộ GD-ĐT.

* Còn hơn tuần nữa là tới ngày khai giảng năm học mới, nhưng hiện vẫn còn 107 trường học đang làm cơ sở cách ly tập trung, tỉnh sẽ giải quyết như thế nào?

- UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn, kể cả nhà nghỉ, khách sạn, nhà văn hóa và các nơi có thể trưng dụng được làm khu cách ly tập trung phòng, chống COVID-19 để có thể giải phóng các cơ sở cách ly tập trung tại các trường học. Việc làm này phải làm nhanh, trong vòng 15 ngày và thực hiện công tác vệ sinh dịch tễ đối với các cơ sở trường học đảm bảo cho các em trở lại trường học như khung thời gian năm học đã đưa ra.

* Trước tình trạng dịch bệnh như hiện nay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong các trường học, tỉnh có chỉ đạo như thế nào, thưa đồng chí?

- Sau khi khai giảng, có những vùng học sinh sẽ đến trường được, nhưng có vùng thì học sinh không đến được, vì còn thực hiện giãn cách. Đối với vùng các em được trở lại trường học trực tiếp, yêu cầu các cơ sở trường học tiến hành vệ sinh dịch tễ để bảo đảm an toàn cho thầy và trò. Các trường học cần rà soát tất cả học sinh, giáo viên, triển khai ứng dụng công nghệ kiểm tra việc ra, vào trường học để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ngành Giáo dục và các địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ phương án các lộ tuyến đến trường để tránh việc khi di chuyển các em tụ tập đông, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bất ngờ, không chủ động gây khó khăn cho công tác giáo dục và công tác phòng chống dịch.

* Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện sách giáo khoa (SGK) đã có ở các nhà sách, đại lý, nhưng do tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh chưa tiếp cận để mua được sách, trong khi ngày khai giảng đã cận kề. Vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào, thưa đồng chí?

- Hiện nay, những mặt hàng thiết yếu chúng tôi có luồng xanh trong nội tỉnh để di chuyển. Chúng tôi đã cho tiêm chủng vắc xin đối với các shipper, lái xe, những người vận chuyển và các đại lý bán hàng thiết yếu trên địa bàn, trong đó có SGK. Trong vòng một vài ngày tới, lực lượng này sẽ vận chuyển sách, vở về các địa phương phục vụ mua sắm cho năm học mới. Sở Giáo dục, Công thương, GT-VT phối hợp, có sự ưu tiên hỗ trợ những luồng xanh để đưa sách, vở tới địa bàn sớm nhất.

Một giờ học của Trường mầm non Sơn Ca (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

Một giờ học của Trường mầm non Sơn Ca (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRUNG HIẾU

* Các địa phương cho rằng đang gặp khó khăn khi triển khai học trực tuyến, tỉnh có hướng xử lý như thế nào?

- Học trực tuyến không thể nào thay thế cho học trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tiến hành tổ chức học trực tuyến cho các học sinh. Để giải quyết khó khăn cho các trường về đầu phát, chúng tôi đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương trang bị phòng để các trường phát chương trình dạy học trực tuyến. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Sở TT-TT làm việc với các nhà mạng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo hệ thống mạng phổ cập tới những nơi học sinh cần học. Ngành Giáo dục và các địa phương phải rà soát khả năng đáp ứng việc học trực tuyến của các gia đình để có kế hoạch bố trí, phân nhóm học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến, nhóm nào học trực tiếp, hoặc gửi tài liệu, bài giảng thông qua các thiết bị để các em học lại hoặc học các chương trình trên truyền hình của gia đình mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bố trí một gói tài chính cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để gói này cung cấp tín dụng không quá 5 triệu đồng/mỗi học sinh để trang bị thiết bị đầu cuối, từ đó các em có điều kiện tham gia học trực tuyến.

* Thời gian từ nay đến ngày khai giảng đã cận kề, liệu công tác triển khai có kịp và khả thi không, thưa đồng chí?

- Việc triển khai này sẽ từng cấp, ngành, từng đơn vị và chúng tôi sẽ triển khai cuốn chiếu và làm nhanh chóng. Mục tiêu là dạy trực tuyến hết cho khối cấp 2 và cấp 3.

Trường THCS Lương Thế Vinh tổ chức dạy học cho học sinh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Trường THCS Lương Thế Vinh tổ chức dạy học cho học sinh. Ảnh: TRUNG HIẾU

* Trong tình hình dịch bệnh và thiên tai, nhiều gia đình rất khó khăn, trong khi bước vào năm học mới với nhiều khoản tiền phải nộp. Vậy tỉnh có phương án nào để hỗ trợ cho người dân?

- Đúng là người dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, hạn hán, mất mùa. Trong khi những chi phí đầu năm học liên quan đến sách, vở, quần áo để các em tựu trường là một khoảng chi không nhỏ đối với nhiều gia đình. Việc đầu tiên chúng tôi chỉ đạo ngành LĐ-TB-XH thực hiện nhanh các chế độ chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và các chế độ chính sách khác (nếu có). Đối với các khoản thu đầu năm học, yêu cầu ngành Giáo dục phải hạn chế tối đa những khoản thu đối với gia đình học sinh. Các khoản thu, chi phải minh bạch, cụ thể và giãn thời gian thu để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, tránh tình trạng học sinh không được đến trường vì lý do kinh tế.

* Xin cảm ơn đồng chí!

TRUNG HIẾU (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/263113/chuan-bi-nhieu-phuong-an-cho-nam-hoc-moi.html