Chuẩn bị phong tỏa vùng biển trục vớt tàu chìm ở Mũi Né

Biện pháp trục vớt tàu Bạch Đằng được thực hiện theo 5 bước và dự kiến kéo dài 20 ngày

Ngày 18-3, theo một nguồn tin của PLO, Công ty Cổ phần trục vớt Cứu hộ Việt Nam đã trình Phương án trục vớt tàu Bạch Đằng đang chìm ở biển Mũi Né (Bình Thuận).

Tàu Bạch Đằng lúc chưa bị chìm. Ảnh: PN

Tàu Bạch Đằng lúc chưa bị chìm. Ảnh: PN

Theo phương án, việc trục vớt sẽ thực hiện ngay sau khi Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phê duyệt. Dự kiến hoàn thành việc trục vớt trong vòng 20 ngày.

Theo khảo sát, con tàu dài 73,50m; rộng 13,23m, chiều cao mạn 4,50m, mớn nước 3, 70m, tải trọng 2.560,91 tấn.

Sẽ có hai cần cẩu nổi (sức nâng 350 tấn và 130 tấn); tàu kéo 1.250HP; tàu kéo 850 HP; tàu hút bùn 800 tấn cùng các thiết bị lặn; phao, máy hút bùn chuyên dụng…

Biện pháp trục vớt tàu Bạch Đằng được thực hiện theo 5 bước thanh thải hàng hóa; bơm hút dầu; di dời tàu ra vùng nước sâu; làm nổi tàu, cẩu lật và bơm nước trong các hầm két ra ngoài, kéo tàu vào trong cảng neo đậu

Đối với phương án thanh thải hàng từ các bồn giữa tàu ra hai đầu phải thả neo định vị mũi lái, thả phao cảnh giới khu vực thi công; di chuyển tàu hút bùn đến vị trí tàu Bạch Đằng, làm đây định vị giữa hai tàu và thả phao vây chống tràn bụi than.

Sau đó, thợ lặn mở nắp bồn, chụp miệng phễu ống hút vào miệng bồn; tàu hút bụi tro than lên các hầm chứa của tàu; hút bồn nào xong, tiến hành bơm khí nén vào trong bồn, đậy kín nắp bồn. Bồn nào hút dở dang, trước khi ngưng tháo đầu ống bên phía tàu hút, treo đầu ống lên qua mặt nước.

Khi tàu hút đã hút đầy các bồn chứa, di chuyển về cảng Phú Mỹ, bơm bụi tro than lẫn nước lên khu vực chứa chất xả thải.

Công việc thực hiện lặp lại cho đến khi hút hết hàng hóa trong các bồn ra ngoài.

Trong quá trình bơm hút hàng hóa nếu phát hiện màng dầu trôi nổi, tiến hành thả phao vây dầu, thu gom màng dầu. Công việc bơm hút dầu trong các két được tiến hành sau khi đã thanh thải hết hàng hóa trong các bồn chứa hàng, khi đó mặt boong sau lái sẽ nổi lên khỏi mặt đáy biển có không gian để làm việc.

Công việc bơm hút dầu trong các két sẽ được tàu Visal 8 hành trình đến vị trí tàu chìm, xác định vị trí thả neo và tiến hành thực hiện công tác định vị tàu phục vụ cho công tác lặn.

Thợ lặn xác định lại ống thông hơi và ống đo dầu của các két dầu tàu Bạch
Đằng theo bản vẽ chủ tàu cung cấp.

Để có khoảng cách đảm bảo an toàn cho thợ lặn làm việc đồng thời đủ mớn nước để tiến hành cẩu lật tàu cần phải di chuyển tàu ra vùng nước có độ sâu khoảng 10-12m.

Đối với phương án cẩu lật, làm nổi tàu Bạch Đằng, sau khi di dời tàu ra vùng nước có độ sâu 10-12m công việc cẩu lật, làm nổi tàu Bạch Đằng sẽ do các cần cẩu và thợ lặn phối hợp thực hiện theo phương pháp lật tàu bằng cần trục Yết Kiêu..

Sau khi cẩu lật tàu về trạng thái tự nhiên, tiến hành bơm vét nước ở trong các khoang két ra ngoài; thợ lặn kiểm tra bịt vá các lỗ thủng nếu có. Khi tàu Bạch Đằng nổi hoàn toàn trong trạng thái an toàn, tiến hành kéo tàu về Cảng VISAL neo đậu

Trong phương án, đơn vị trục vớt cũng nêu chi tiết công tác kiểm tra cho từng hoạt động của thợ lặn, thiết bị, giám sát, cảnh báo ở khu vực cho đến khi hoàn thành việc trục vớt...

Một số hình ảnh, sơ đồ của phương án trục vớt:

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chuan-bi-phong-toa-vung-bien-truc-vot-tau-chim-o-mui-ne-973310.html