Chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ đông xuân

Vụ sản xuất đông xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ được tiến hành trong điều kiện có nhiều bất lợi. Về thời tiết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị, nền nhiệt độ vụ đông xuân này có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, đặc biệt có nhiều đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn đầu vụ ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và sự sinh trưởng của cây lúa, hoa màu. Đáng quan tâm là hiện nay giá vật tư nông nghiệp tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (giá phân đạm u rê tăng 108,6%, phân Kali tăng 94,4%, NPK 16-16-8 tăng 51,1%). COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức, chỉ đạo và tiến hành sản xuất vụ đông xuân. Với dự báo có nhiều khó khăn trên, các địa phương cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.

 Khâu làm đất tiến hành sớm, đảm bảo kỹ thuật sẽ tạo điều kiện để triển khai gieo cấy lúa thuận lợi, đúng tiến độ - Ảnh: Đ.T

Khâu làm đất tiến hành sớm, đảm bảo kỹ thuật sẽ tạo điều kiện để triển khai gieo cấy lúa thuận lợi, đúng tiến độ - Ảnh: Đ.T

Để chủ động trong việc tiến hành từng bước vụ sản xuất đông xuân, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến sản xuất để nông dân biết, nắm chắc, ứng phó hiệu quả. Chú trọng việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và giá vật tư nông nghiệp tăng cao, các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đến với các tổ chức, cá nhân và người sản xuất trên địa bàn.

Thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là việc bắt buộc niêm yết công khai giá vật tư theo quy định tại địa điểm kinh doanh, không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng ém hàng để nâng giá và cung ứng vật tư không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất, chất lượng cây trồng. Đảm bảo thông suốt công tác vận chuyển, cung ứng vật tư thiết yếu, giống cây trồng để tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19, nhất là khi vào vụ sản xuất và thu hoạch nông sản.

Huy động nông dân tập trung phương tiện cơ giới để tiến hành cày ruộng chuẩn bị xuống vụ. Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với những chân ruộng bị bồi lấp do lụt, tùy theo độ sâu vùi lấp để có giải pháp phù hợp. Nếu lấp sâu dưới 15 - 20 cm thì xử lý đất bằng vôi, các chế phẩm vi sinh vật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và làm đất gieo cấy lúa. Đối với ruộng bị vùi lấp sâu 30 - 50 cm, cần bóc lớp đất này trả lại mặt bằng như hiện trạng, xử lý đất để gieo cấy lúa.

Đối với đất vùi sâu trên 50 cm cần cải tạo đất, san ủi, cày đất lên luống cao để chuyển sang cây trồng cạn. Tiến hành cày vùi gốc rạ, dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ kết hợp bón vôi nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh. Xử lý giống trước khi gieo bằng thuốc Cruiser plus 312.5 FS, Map Silo 40SC… để hạn chế rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen trong giai đoạn đầu của lúa. Sau khi gieo lúa từ 7- 30 ngày đầu là thời kỳ mẫn cảm của cây lúa với bệnh lùn sọc đen, nên phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh lùn sọc đen sớm. Ngay từ khi gieo, nếu phát hiện rầy lưng trắng mang nguồn vi rút lùn sọc đen, cần phun thuốc diệt trừ rầy ngay để hạn chế lây lan, truyền bệnh.

Một công việc không kém phần quan trọng mà Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo là phát động ra quân nạo vét, tu sửa kênh mương, vệ sinh đồng ruộng, xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý, đặc biệt là đấu úng khi có ngập úng gây ra và kết hợp diệt chuột, ốc bươu vàng. Tiến hành diệt chuột trước khi vào vụ sản xuất bằng mọi biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, bả, sử dụng thuốc diệt chuột (ưu tiên sử dụng các loại thuốc diệt chuột sinh học ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường).

Phát động diệt chuột liên vùng, liên thôn kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng với việc diệt chuột trong khu dân cư, trong các hộ gia đình. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, sẽ tổ chức ra quân đồng loạt từ ngày 26/12/2021 đến ngày 2/1/2022. Đối với ốc bươu vàng, ưu tiên các biện pháp thủ công, bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy là biện pháp hiệu quả, dễ thực hiện, ít ảnh hưởng đến môi trường. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học ở những nơi mật độ ốc cao, ốc còn nhỏ, không thể bắt bằng tay. Có thể diệt trừ ốc bằng các loại thuốc phun có hoạt chất Niclosamide, hoặc thuốc rải dạng hạt có hoạt chất Metaldehyde.

Hiện các cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tăng cường tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ đông xuân 2021 - 2022 của tỉnh đã ban hành. Về cơ cấu giống lúa, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đưa vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, các giống đã có quyết định lưu hành của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và PTNT, được ngành nông nghiệp Quảng Trị khuyến cáo phù hợp trên địa bàn, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả kinh tế cao.

Giống đưa vào sản xuất phải đạt về phẩm cấp theo quy định (giống nguyên chủng, xác nhận). Tuyệt đối không sử dụng các giống lúa đã thoái hóa, lấy thóc thịt làm giống. Lượng giống sử dụng gieo sạ từ 70 - 80 kg/ha để giảm chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cơ cấu tỉ lệ giống đưa vào sản xuất trên địa bàn không quá 30% diện tích cho mỗi giống. Các hợp tác xã, tổ hợp tác nên cơ cấu từ 3 - 4 loại giống lúa lúa phù hợp từ bộ giống lúa khuyến cáo của tỉnh để tập trung thâm canh. Các giống lúa chủ lực, sản xuất đại trà (cơ cấu 70% diện tích) gồm HN6, HC95, An Sinh 1399, Dự Hương 8, Đài Thơm 8, Bắc Thơm 7…

Các giống lúa bổ sung (cơ cấu dưới 20% diện tích) gồm VNR20, DCG66, HT1, Thiên Ưu 8, QS447, DQ11, TBR97, ST24, ST25… Đưa dần vào sản xuất các giống lúa đã khảo nghiệm có triển vọng (cơ cấu dưới 10% diện tích) các loại giống như QC03, Phong Nha 99, QR1, DDB6…Tùy theo thời gian sinh trưởng của các giống lúa, tính chất đất, điều kiện nước tưới và mức độ thâm canh để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, tạo điều kiện cho lúa trổ tập trung từ ngày 5 - 15/4/2022 vừa tránh được rét trong vụ đông xuân, đồng thời triển khai sản xuất vụ hè thu năm 2022 đảm bảo thời vụ. Có kế hoạch dự phòng nguồn giống (giống có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn như HN6, An Sinh 1399, TBT cực ngắn) để hỗ trợ nông dân gieo cấy lại đối với diện tích lúa bị thiệt hại do mưa rét gây ra.

Trong điều kiện giá phân bón tăng cao, ngành chức năng quan tâm khuyến cáo nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp). Nhất là trong điều kiện trời rét, ưu tiên sử dụng các loại phân bón chậm tan để hạn chế thất thoát phân do biến đổi khí hậu nhằm tăng hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp, phân gia súc, gia cầm tạo ra phân bón hữu cơ; tăng cường phân bón hữu cơ, nhất là phân hữu cơ truyền thống đã xử lý chế phẩm vi sinh để bón cho cây trồng, hạn chế, tiến tới thay dần phân bón vô cơ nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm sâu bệnh, chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng hiệu quả sản xuất.

Được sự quan tâm chỉ đạo của ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là nỗ lực của người sản xuất, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã cơ bản chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 đảm bảo kế hoạch, thời vụ để đạt kết quả cao nhất.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162971&title=chuan-bi-tot-cac-dieu-kien-de-san-xuat-vu-dong-xuan