Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, trọng tâm là phục vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tập trung cao nhất, khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều tối 10/2 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 42, hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 27 nội dung, nhóm nội dung gồm 16 nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 bất thường; 2 nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và 9 nội dung về vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó trọng tâm là phục vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; 4 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung trọng tâm, cấp bách do Chính phủ trình nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước và cơ chế chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian diễn ra phiên họp, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã họp để thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thống nhất những vấn đề xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
“Tuy yêu cầu gấp về tiến độ, áp lực về thời gian, nhiều nội dung khó, phức tạp, song chất lượng của các nội dung trình tại phiên họp điều cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các vấn đề lớn cơ bản được sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Ngay sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tập trung cao nhất, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo thẩm tra và các tài liệu kèm theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục rà soát, đối chiếu để đảm bảo tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất giữa các dự án luật. Khẩn trương gửi tài liệu của kỳ họp đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thảo luận, biểu quyết bảo đảm chất lượng, đạt sự đồng thuận cao.
“Như vậy, cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành việc xem xét, cho ý kiến đối với 16/17 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chỉ có một nội dung là Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tại cuộc họp sáng 7/2/2025.
Vấn đề này đã có Kết luận của Văn phòng Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, do đó Quốc hội và Chính phủ phải bằng mọi cách tháo gỡ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội rà soát kỹ, chuẩn bị thật chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần để Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra chu đáo, an toàn và thành công.
Do tính chất rất quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tác thông tin tuyên truyền trong, trước, sau kỳ họp phải thông tin đầy đủ, sâu sắc, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích cực, tạo khí thế mới, quyết tâm mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tất cả vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Tổng Thư ký Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan, nhất là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan báo chí.
Bên cạnh công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thường kỳ lần thứ 9 với dự kiến khối lượng nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của kỳ họp là rất lớn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải tích cực chuẩn bị, trước mắt, phải báo cáo đảm bảo tiến độ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2025.
Song song với việc ổn định tổ chức bộ máy sau kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, bám sát chương trình, kế hoạch, kết luận của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội tại các cuộc họp để chủ động tổ chức triển khai công việc, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng.
Đồng thời thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi cá nhân, vì sự phát triển chung của đất nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần phát biểu. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp, tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo, cầu thị, lắng nghe, sẵn sàng, chủ động, xử lý kịp thời, hiệu quả những việc mới phát sinh.
* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3% so với năm 2024. Công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.