Chuẩn bị trước bão Noru

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á và có nhiều người làm ăn sinh sống. Vì vậy, nhiều khả năng bão Noru (bão số 4) sẽ gây nguy hiểm đối với những người dân này. Trước tình hình này, UBND huyện Dương Minh Châu và những đơn vị liên quan đã tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trước cơn bão lớn.

Bà Hương khẩn trương cột lại dây chằng, bạt ni-lông phía trước căn chòi của mình cho chắc chắn.

Bà Hương khẩn trương cột lại dây chằng, bạt ni-lông phía trước căn chòi của mình cho chắc chắn.

Sẵn sàng ứng phó

Hiện nay, trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu, có nhiều căn chòi di động vừa di dời từ đất bán ngập vào sát chân bờ hồ. Chủ nhân những căn chòi này đang khẩn trương cột lại dây chằng, bạt ni-lông phía trước căn chòi cho chắc chắn. Một vài người khác di dời xe cộ, vật dụng, vật nuôi cách xa mé nước. Xung quanh những căn chòi này nhiều phương tiện đánh cá neo đậu không dám ra khơi.

Bà Nguyễn Thị Hương, 53 tuổi cho biết, gia đình bà ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Khoảng 7 năm nay, vợ chồng bà ra bến đò này cất chòi bán nước giải khát cho người dân làm đồng, đánh bắt cá trong hồ. Những tháng trước, khi nước hồ Dầu Tiếng chưa dâng cao, căn chòi của gia đình bà đặt ngoài gò đất có lùm cây rừng cao to phía trước. Mấy ngày nay, khi nghe thông báo sắp có bão lớn, bà dời căn chòi nhỏ vào sát chân đê bờ hồ. “Sáng hôm qua, Công an đã đến đây thông báo về tình hình bão lớn sắp vào đất liền và căn dặn chúng tôi không được ra khơi trong ngày mưa to gió lớn. Đồng thời hướng dẫn người dân neo đậu mỗi thuyền bè cách xa nhau khoảng 4 mét, cắm cọc, cột dây cẩn thận để tránh xảy ra va đập khi có bão”, bà Hương chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hạnh- người dân huyện Dương Minh Châu, chuyên sống bằng nghề nuôi trâu trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng. Hiện tại, đàn trâu của ông có hơn 20 con. Ông Hạnh cho biết, trước tình hình mưa bão sắp đổ bộ vào đất liền, ông đã lùa đàn trâu lên những gò đất cao gần bờ hồ để giữ ấm và an toàn. “Hằng ngày, tôi đi cắt cỏ và chở cây mì về làm thức ăn cho chúng. Chịu khó một chút nhưng an toàn cho đàn trâu trong lúc có nguy cơ bão lũ như thế này”- ông Hạnh nói.

Vợ chồng chị Lê Thị Bích có một căn chòi nhỏ vừa di dời từ ngoài xa vào chân đê hồ Dầu Tiếng. Hằng ngày, chồng chị ra khơi đánh bắt cá, chị ở nhà chăm sóc con cái, thu mua cá của các ngư dân để bán lại cho thương lái. Chị Bích chia sẻ, nghe thông tin cơn bão số 4 có ảnh hưởng rất lớn nên rất lo lắng. Vợ chồng chị đã gia cố nơi ở của gia đình bằng cách cột gần 10 dây chằng xung quanh căn chòi. Đồng thời, chuẩn bị sẵn một số cọc sắt, dây kẽm khác để đề phòng nếu có xảy ra mưa to, gió lớn thì sẽ cột chằng thêm cho chắc. Dọc hai bên căn chòi của chị có hơn 10 chiếc vỏ lãi đang neo đậu. Một chiếc vỏ lãi nhỏ đã được kéo lên bờ để tránh va đập khi có bão lớn. Hầu hết những phương tiện này đều được bao bọc, che chắn cẩn thận. Nhiều manh lưới, thau, thúng, dụng cụ nghề cá cũng được đem lên bờ.

Nhiều chiếc vỏ lãi khác neo đậu san sát vào bờ.

Nhiều chiếc vỏ lãi khác neo đậu san sát vào bờ.

Vẫn còn một số ngư dân ra khơi

Tuy nhiên, bên cạnh những người dân cẩn thận phòng ngừa giông bão, sáng ngày 27.9, vẫn còn một số ngư dân mạo hiểm ra khơi. Điều đáng lo ngại là hầu hết những ngư dân ra khơi hành nghề đánh bắt cá mà chúng tôi nhìn thấy trong buổi sáng ngày 27.9 đều không ai mặc áo phao.

Ông Nguyễn Văn Thành có nhiều năm kiếm sống bằng nghề đánh cá trong hồ Dầu Tiếng. Trước tình hình mưa bão, ông Thành đã neo đậu chiếc vỏ lãi của mình vào sát bờ để tránh bão. Sáng 27.9, nhận thấy trời quang mây tạnh, ngư dân này tranh thủ cho thuyền ra khơi đánh cá. Ông Thành bộc bạch: “Tôi sẽ đi sớm về sớm để không bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Trong quá trình thả lưới, tôi sẽ thường xuyên quan sát bầu trời, nếu thấy có nhiều mây đen, gió lớn nổi lên, tôi sẽ lập tức cuốn lưới quay vào bờ để tránh bão”.

Trên địa bàn xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cũng có hàng chục chiếc thuyền đánh cá khác đang neo đậu san sát ven bờ hồ. Buổi trưa cùng ngày, một ngư dân vác thùng nhiên liệu và bao tải nước đá xuống thuyền để đi nhủi cá. Ngư dân này kể, ông đã làm nghề đánh cá hằng chục năm trong hồ Dầu Tiếng nên có nhiều kinh nghiệm đối phó với mưa bão. Trước tình hình có khả năng xuất hiện bão lớn như hiện nay, ông chỉ cho thuyền đánh cá gần bờ. Khi có bão ập đến, ông sẽ tấp thuyền vào bờ hoặc vào cụm rừng gần nhất, chờ hết bão mới trở về nhà. “Bản thân tôi từ nào tới giờ chỉ biết kiếm sống bằng nghề đánh cá. Bây giờ không đi làm thì lấy gì để sống?”, người đàn ông phân trần.

Ông Dương Văn Ư- Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện nằm ở ven hồ Dầu Tiếng và có một số xã nằm ở vùng hạ lưu của công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á này. Vì vậy, sau khi nắm được thông tin sẽ có cơn bão lớn đổ bộ vào miền Trung và có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Tây Ninh. Chiều 26.9, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Dương Minh Châu đã triệu tập các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện họp để triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện phối hợp chặc chẽ với Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam để nắm diễn biến mực nước hồ, quy trình xả nước của hồ Dầu Tiếng và thông báo cho nhân dân các xã vùng hạ lưu, đặc biệt là xã Bến Củi biết về việc xả lũ, để tránh thiệt hại về nông nghiệp và tài sản của bà con khi xả lũ mức độ cao.

Ông Ư cho biết thêm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát tất cả những điểm xung yếu, có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ để xử lý ngay khi có mưa to gió lớn xảy ra; kiểm tra tất cả các phương tiện phòng, chống lụt bão hiện có và có đề xuất cụ thể để kip thời trang bị bổ sung, nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng, chống bão lụt. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong huyện tuyên truyền cho nhân dân bảo quản tài sản của mình. Huyện cũng đã chỉ đạo tất cả các cơ quan của huyện quan tâm tới nguồn ngân sách dự phòng, để khi có tình huống xảy ra, sẽ đáp ứng kịp thời. “Đối với những người dân làm nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, UBND huyện đã thông báo phải tạm dừng hoạt động ra khơi trong thời gian cao điểm mưa bão. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng liên quan, trước mắt là công an và quân sự phải túc trực 24/24 giờ, để khi xảy ra bão lũ, chúng tôi sẽ chỉ đạo kịp thời”- ông Ư khẳng định.

Đại Dương - Quốc Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuan-bi-truoc-bao-noru-a149997.html