Chuẩn bị vào lớp 1: Đừng chỉ bắt con học chữ

Việc thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học khiến ảnh hưởng tâm lý của học sinh, thay vì căng thẳng cha mẹ cần động viên, tạo động lực cho con.

Sau 3 tháng nghỉ hè, chỉ còn khoảng một tuần nữa năm học 2024-2025 sẽ chính thức bắt đầu. Thời điểm hiện tại, đối với cha mẹ có học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 tâm lý lo lắng trước năm học đầu đời của con trẻ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh cần có kỹ năng đồng hành cùng con thay vì tạo áp lực lên các con.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội cho rằng việc thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học khiến ảnh hưởng tâm lý của học sinh, thay vì căng thẳng cha mẹ cần động viên, tạo động lực cho con.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: "Cha mẹ không nên ép con phải học trước. Trong chương trình mầm non, học sinh cũng có khoảng thời gian làm quen dần bảng chữ cái, như vậy là đủ để bước vào lớp 1. Nhiều bố mẹ cho con học tiền tiểu học với mong muốn học sinh sẽ tự tin hơn nhưng quan điểm như vậy là sai lầm".

Khi vào lớp 1, học sinh sẽ được thầy cô giáo dạy từ những nét chữ đầu tiên. Vì vậy, bà Thanh Mai cho rằng nếu học trước sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, "biết rồi" của học sinh, khiến các em cảm thấy nhàm chán, từ đó không tập trung học tập, dần dần sẽ hình thành thói quen không cần nghe giảng, điều này sẽ rất tai hại khi cô giáo dạy kiến thức mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội.

"Phụ huynh chỉ nên cho con học ở mức độ phù hợp, không ép học khiến gây quá tải với độ tuổi của các em", bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay.

Qua kinh nghiệm quan sát, giảng dạy nhiều năm, bà Mai cũng nhận thấy, ngay cả khi các em đã học thuộc lòng bảng chữ cái, biết đọc, biết viết nhưng đến cuối năm thì vẫn về đích bằng với học sinh chưa học trước. "Những em học trước không hề giỏi hơn lại áp lực cho con, áp lực cho bố mẹ, nhưng lại tốn kém chi phí, thời gian", bà Mai nhấn mạnh.

Ở đây, thay vì quá tập trung vào trang bị kiến thức, vị hiệu trưởng cho rằng phụ huynh nên chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho con.

"Cha mẹ cần phải rèn luyện cho các em ý thức tự phục, tự giá làm được những công việc cá nhân, sắp xếp sách vở. Khi ở trường chủ động và có ý thức tham gia các hoạt động, hòa đồng, chan hòa với bạn bè, yêu lao động", bà Thanh Mai cho hay.

Cùng với đó, phụ huynh không nên áp lực việc học thêm, đặt nặng vấn đề điểm số. Cần cho học sinh làm quen dần về nhịp độ học tập, sau giờ học chỉ nên ôn tập lại kiến thức từ 30-40 phút.

Cha mẹ không nên quá áp lực điểm số khi ở những năm học đầu đời của con trẻ (Ảnh: Trọng Tùng).

Cha mẹ không nên quá áp lực điểm số khi ở những năm học đầu đời của con trẻ (Ảnh: Trọng Tùng).

Để đồng hành cùng con vào lớp 1, TS.Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công đưa ra 4 câu hỏi giúp phụ huynh hỏi con trong giai đoạn này đó là ngày hôm nay học được cái mới, điều gì vui, có gì hay, tâm đắc, con làm được việc gì tốt?

"Không nên vì áp lực thành tích, sợ con không theo kịp chương trình ngay từ năm đầu tiên mà ép trẻ phải học thêm từ sớm. Điều quan trọng là giúp học sinh thích nghi dần với cái mới, tạo sự hứng thú để trẻ phát triển. Các phương pháp giáo dục, thời điểm giáo dục không đúng sẽ làm trẻ sợ hãi việc học tập và không phát triển được tư duy, trí tuệ", ông Việt Anh cho hay.

Rất nhiều phụ huynh do không có kỹ năng sư phạm thường quát mắng, so sánh khi học cùng con điều này sẽ rất ảnh hưởng đến phát triển tư duy và trí tuệ của trẻ.

Thay vào đó, chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này, cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn, kiên trì, không nên quá kỳ vọng bởi học tập là quá trình lâu dài, trong tháng đầu nếu con chưa theo được, cũng không nên quá sốt ruột.

"Ngoài ra, cha mẹ học sinh nên tin tưởng và đồng hành với giáo viên. Thầy cô mới là người được trang bị đầy đủ về kỹ năng sư phạm, tâm sinh lý, họ hoàn toàn có thể thấu hiểu và đưa ra những ý kiến đóng góp, phương pháp giáo dục phù hợp. Phụ huynh chỉ nên đóng vai trò phối hợp trong việc tiếp cận cá tính, tính cách của con để có cách thức động viên khích lệ kịp thời, cách tiếp cận phù hợp nhất với con mình", TS.Vũ Việt Anh bày tỏ.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4327, trong đó yêu cầu Sở GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh lớp 1.

Chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024-2025 thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 5/9/2024.

Đồng thời, chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương.

Chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuan-bi-vao-lop-1-dung-chi-bat-con-hoc-chu-20424082721282656.htm