Chuẩn bị xét xử 17 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu - giai đoạn 2
Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định ngày 24/12 tới sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án 'chuyến bay giải cứu' (giai đoạn 2). Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 8 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ). Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân, trong đó thẩm phán Vũ Xuân Văn (Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội) làm chủ tọa.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng (SN 1978, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Năm bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" gồm Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (SN 1969, cựu chuyên viên Phòng khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Văn (SN 1965, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (SN 1979, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Mạnh Trường (SN 1980, cựu chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).
Có 10 bị cáo bị truy tố tội "Đưa hối lộ" gồm: Vũ Hồng Quang (SN 1977, nguyên Phó phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam), Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại TPHCM), Vũ Hoàng Dũng (SN 1987, trú tại Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cương (SN 1977, Trưởng phòng Thương mại điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet), Đặng Nhật Đức (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan), Bùi Đăng Khoa (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du ngoạn thế giới), Trương Thị Mỹ Dung (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH PNR), Trần Thị Ngân (SN 1984, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anna Travel) và Trần Minh Phụng (SN 1970, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy). Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, trú tại Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội "Che giấu tội phạm".
Có gần 20 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Tùng có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Vũ Hồng Quang có 2 luật sư bào chữa. Hai bị cáo là Vũ Văn Văn và Lê Ngọc Tường không mời luật sư bào chữa và cũng không thuộc diện phải chỉ định luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.
Các bị cáo còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Ngoài ra, có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra của cơ quan chức năng.
Cụ thể, bị cáo Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng, hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Văn đã nhận hối lộ 5 lần, tổng số tiền 450 triệu đồng. Bị cáo Lê Ngọc Tường đã nhận hối lộ 4 lần, tổng số 400 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Mạnh Trường nhận hối lộ 4 lần, tổng số 244 triệu đồng...
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Thông, cáo trạng nêu rõ bị cáo Thông không hứa hẹn trước, nhưng khi biết Trần Minh Tuấn (đã bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án) có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo Thông bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định là đã gây cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 1.
Cũng theo cáo trạng, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Bích, chuyên viên Phòng Y tế huyện Sóc Sơn, được xác định có hành vi nhận số tiền 25.400.000 đồng của ông Nguyễn Huy Ty - Phó Giám đốc Công ty vận tải biển Sao Phương Đông khi tiếp nhận 93 thuyền viên của công ty này về cách ly tại huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, hai người này không sử dụng số tiền cho mục đích cá nhân, mà sử dụng chung công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cũng theo Cơ quan điều tra, trong quá trình điều tra, bà Hằng, bà Bích thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác và tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả. Cơ quan tố tụng cho rằng, xét tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sai phạm, không cần thiết phải xử lý hình sự, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn có hình thức xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, kết quả điều tra cũng xác định, nhiều cá nhân tham gia soạn thảo, tham mưu, xây dựng, hướng dẫn ban hành văn bản liên quan đến các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các đối tượng này được xác định không có động cơ vụ lợi, không xác định được hậu quả thiệt hại nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Đây là giai đoạn 2 của đại án "chuyến bay giải cứu", được điều tra từ tháng 6/2023, khi giai đoạn một đang trong thời gian truy tố. Thời gian điều tra cả hai giai đoạn tương đương nhau, 15 - 16 tháng.
Tại phiên sơ thẩm xét xử giai đoạn 1 của vụ án chuyến bay giải cứu, cuối tháng 7/2023, TAND Hà Nội đã tuyên 54 bị cáo về các tội danh: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, 4 bị cáo bị phạt tù chung thân. Tại phiên phúc thẩm sau đó 5 tháng, bị cáo Hoàng Văn Hưng được giảm từ tù chung thân xuống còn 20 năm tù, 3 bị cáo còn lại bị tuyên y án chung thân.