Chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Tiệm cận quốc tế nhưng phù hợp thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết việc xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học dựa trên khảo sát thực tiễn từ các trường đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo Thông tư về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự quan tâm lớn của các trường, bởi đây sẽ là những yêu cầu tối thiểu mà các trường phải đạt được. Với hàng trăm ý kiến đóng góp, dự thảo được bắt đầu biên soạn từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã có những chia sẻ sâu hơn với báo chí về dự thảo thông tư này.
Khác biệt với kiểm định chất lượng
- Thưa Thứ trưởng, mục tiêu hướng đến của dự thảo Thông tư về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là gì?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các tiêu chuẩn trong đặt ra trong thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ là những yêu cầu tối thiểu để cơ sở giáo dục đại học duy trì hoạt động. Đây cũng là cơ sở để giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng và hoạt động của các trường, làm sao giảm thiểu rủi ro với các bên liên quan; trong đó có Nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là với người học vì họ đã đầu tư tiền bạc, thời gian, tuổi trẻ. Chuẩn cũng giúp người học tự đánh giá được trường qua những số liệu cụ thể, khách quan thay vì đi tham khảo các ý kiến chủ quan.
Với việc đưa ra các yêu cầu tối thiểu, thông tư cũng nhằm từng bước củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Khi đó, cùng với việc thực hiện quy hoạch, các địa phương, trường đại học sẽ phải đầu tư để tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng đạt chuẩn và vượt chuẩn.
- Chuẩn này sẽ khác như thế nào với các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà các trường đang triển khai, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chuẩn cơ sở giáo dục đại học khác với các tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học ở các mục đích, tính chất, nội dung và quy trình thực hiện.
Có thể hiểu một cách đơn giản, chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm các thông số tình trạng hoạt động của một trường đại học đọc từ một bản chụp, trong đó có các giá trị ngưỡng để dễ dàng đối sánh. Giống như khi chúng ta đi chụp chiếu, đo huyết áp hay xét nghiệm máu sẽ nhận được các chỉ số thông dụng để ai cũng có thể đối sánh với các giá trị ngưỡng xem sức khỏe có vấn đề gì bất thường hay không.
Trong khi đó đánh giá, kiểm định chất lượng là một công việc phức tạp hơn rất nhiều, cần xem xét, đánh giá cả một quá trình hoạt động nhiều năm dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí (hầu hết định tính) đối sánh với sứ mạng, mục tiêu của từng trường, cần các chuyên gia phân tích, đánh giá sâu và đưa ra các khuyến nghị cải tiến, giống như chúng ta cần các bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây bệnh (nhiều khi cần hội chẩn), chỉ định phác đồ điều trị.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu tối thiểu mà bất cứ trường nào cũng phải đạt, còn kiểm định thì mỗi trường phải đáp ứng theo sứ mạng và mục tiêu riêng của mình. Việc đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định cần phải tuân thủ các yêu cầu tối thiểu được quy định của chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên một trường mặc dù đạt chuẩn nhưng nếu đặt ra sứ mạng và mục tiêu rất cao thì có thể không đạt kiểm định.
Các chỉ số của chuẩn cơ sở giáo dục đại học cần phải theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục, được công bố hàng năm để người học và xã hội cùng biết và giám sát. Trong khi đó, quy trình đánh giá, kiểm định thực hiện theo chu kỳ 5 năm một lần để có một báo cáo đầy đủ, toàn diện, trên cơ sở đó cơ sở giáo dục đại học có những chiến lược để cải thiện.
Tham khảo quốc tế, khảo sát thực tiễn
- Hiện Việt Nam có 242 trường đại học với nhiều khác biệt. Thứ trưởng có thể cho biết các tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn, ngưỡng đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dựa trên cơ sở nào để có thể áp dụng chung cho tất cả các trường?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đây là vấn đề khó nhất và là một trong những nguyên nhân khiến thông tư soạn thảo 3 năm chưa xong. Bộ tiêu chuẩn 6 nhóm thì dễ thống nhất, nhưng trong các nhóm thì tiêu chí nào, đâu mới là điều kiện cần, điều kiện tối thiểu, đặt ngưỡng đạt chuẩn bao nhiêu là vấn đề bàn thảo nhiều.
Quan điểm của bộ là các tiêu chí phải đơn giản, dễ tính toán, dễ lượng hóa, nhưng cần phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ những yêu cầu thiết yếu để một cơ sở giáo dục đại học hoạt động bình thường.
Ban soạn thảo và tổ chuyên gia tư vấn xây dựng chuẩn phải tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Thứ nhất là từ kinh nghiệm thực tiễn quản lý nhà nước rất nhiều năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như kinh nghiệm đổi mới quản trị ở các trường.
Thứ hai là từ kinh nghiệm của các nước, các tổ chức, hiệp hội quốc tế, các trường đại học nước ngoài, xem họ làm thế nào, đánh giá cái nào là quan trọng. Có những tiêu chí rất phổ biến, như đo lường chất lượng qua tỷ lệ sinh viên có việc làm, nhưng cũng có những chỉ số khá mới mẻ đối với chúng ta. Ví dụ về tài chính trước nay chúng ta ít để ý, nhưng có các nước họ đưa những tiêu chí này rất hay, có thể đánh giá về tình trạng tài chính và qua đó đánh giá rủi ro trong hoạt động của một trường đại học đối với các nhà đầu tư, với người học.
Về số liệu thực tiễn, chúng tôi có hai nguồn, thứ nhất là nguồn dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ hai là dữ liệu do các trường tự điền bảng khảo sát của bộ (với sự tham gia của 142 trường). Từ dữ liệu này, chúng tôi đối sánh với quốc tế, trên cơ sở đó đưa ra ngưỡng đạt chuẩn ở mức độ phù hợp, từng bước hội nhập nhưng cũng phải đảm bảo khả thi.
Chúng tôi cũng thảo luận, xin ý kiến các trường. Tất nhiên, nếu tất cả các trường cùng đạt thì có lẽ không cần chuẩn, cần phải có ngưỡng cao hơn để từng bước nâng chất lượng lên. Với các trường nhóm trên đã đạt chuẩn thì chắc chắn sẽ phấn đấu đạt các chỉ số cao hơn vì chuẩn chỉ là mức tối thiểu.
- Vậy với các trường không đạt chuẩn, bộ sẽ có chế tài như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đương nhiên là với các trường không đạt chuẩn sẽ có chế tài, nhưng chế tài không được quy định ngay trong thông tư này mà có thể ở nhiều văn bản khác, như ở các nghị định của Chính phủ. Theo đó, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn với 24 tiêu chí, 29 chỉ số, cần phải xem xét mức độ trường không đạt chuẩn ở tiêu chuẩn, tiêu chí nào và nguyên nhân là gì.
Ví dụ, nếu trường tuyển sinh quá nhiều thì chắc chắn phải giảm chỉ tiêu của năm sau để đạt tiêu chí về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên. Nếu một trường đại học công lập hoạt động không hiệu quả trong nhiều năm, thể hiện ở mức độ rủi ro cao trong các chỉ số về tài chính hoặc tuyển sinh mà không phải do nguyên nhân thiếu đầu tư từ cơ quan chủ quản thì sẽ phải xem xét để sắp xếp, tổ chức lại.
Dựa trên dữ liệu tin cậy
- Có thể thấy các chỉ số ngưỡng đạt chuẩn là rất quan trọng. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thế nào để các số liệu là đáng tin cậy, nhất là với các số liệu do trường thực hiện đo lường như chỉ số hài lòng của sinh viên hay tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ tiêu chuẩn phải xây dựng trên những dữ liệu đáng tin cậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, xã hội, các trường có thể giám sát.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS), các trường đã kết nối và cập nhật dữ liệu về sinh viên nhập học mới, đang theo học và tốt nghiệp hàng năm, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, hạ tầng khuôn viên... Đây là những dữ liệu gốc để tính toán các chỉ số, có cơ chế kiểm soát để các trường phải cập nhật đầy đủ, chính xác.
Một số số liệu khác như tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức độ hài lòng của sinh viên trước mắt sẽ do các trường kê khai dựa trên kết quả khảo sát sinh viên hàng năm, tuy nhiên bộ cũng sẽ có cơ chế để kiểm chứng thông qua các công cụ khảo sát mẫu. Hiện nay, bộ đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối dữ liệu người tốt nghiệp với thông tin nơi làm việc, sắp tới sẽ cung cấp thông tin khách quan về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành, từng lĩnh vực của từng cơ sở đào tạo.
- Dữ liệu sẽ được tính chung cho cả trường hay sẽ được bóc tách theo từng cơ sở đào tạo, từng phân hiệu, thậm chí từng ngành thưa Thứ trưởng? Vì thực tế có trường có phân hiệu rộng nhưng ít sinh viên, trong khi cơ sở chính chật nhưng đông hơn, hoặc có ngành đào tạo nhiều, ngành lại ít?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Dự thảo hiện nay quy định các chỉ số áp dụng cho cả cơ sở giáo dục đại học và một số chỉ số theo từng phân hiệu. Một số đặc điểm đối với các lĩnh vực, ngành khác nhau (như yêu cầu diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, số giảng viên trên sinh viên…) đã được đưa vào dưới dạng hệ số điều chỉnh trong công thức tính toán các chỉ số.
Những yêu cầu riêng, đặc thù khác của từng lĩnh vực, ngành đào tạo (ví dụ yêu cầu về cơ sở thực hành đối với lĩnh vực Sức khỏe, nhóm ngành Đào tạo giáo viên…) không được quy định trong chuẩn này sẽ được quy định trong các chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo.
Như vậy, chuẩn cơ sở giáo dục đại học cùng với các chuẩn chương trình đào tạo sẽ tạo thành một hệ thống thống nhất, đáp ứng những yêu cầu chung cho mỗi cơ sở giáo dục đại học đồng thời đáp ứng yêu cầu riêng, đặc thù cho từng lĩnh vực, ngành đào tạo.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!