Chuẩn đánh giá trong Thông tư 22 còn quá chung chung và không chính xác
Đánh giá bằng nhận xét hay bằng điểm số đều cần chuẩn: đạt hay không đạt (chuẩn), điểm 5, 6, 7…. là so với chuẩn (điểm 10).
Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Một trong những điểm mới của Thông tư này là định hướng cho sự thay đổi đánh giá học sinh trong các trường trung học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong giáo dục nói chung, trong dạy học nói riêng đánh giá luôn là công cụ quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục và dạy học. Trong bối cảnh các nhà trường đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi quá trình dạy học đang chuyển từ “truyền thụ kiến thức sang rèn luyện phẩm chất năng lực học sinh” thì đánh giá càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Được đánh giá là quyền của học sinh, học sinh đến trường hàng ngày, được học tập và được đánh giá để ngày càng tiến bộ. Chính vì vậy việc hướng dẫn các nhà trường, từng giáo viên thực hiện đầy đủ, chính xác, công bằng hoạt động đánh giá học sinh trong quá trình học tập là việc làm có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, là điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng quá trình dạy học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) có một vài góp ý để hoàn thiện thông tư này giúp các nhà trường, từng giáo viên thực hiện tốt hoạt động đánh giá học sinh, đảm bảo thực hiện tốt mục đích của Thông tư.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, trong đánh giá nói chung, đánh giá thành tích học tập (không bàn tới thành tích rèn luyện) nói riêng điều đầu tiên quan trọng nhất là “xác định chuẩn đánh giá”. Đánh giá bằng nhận xét hay bằng điểm số đều cần chuẩn: đạt hay không đạt (chuẩn), điểm 5, 6, 7…. là so với chuẩn (điểm 10). Trong dạy học đó là “mục tiêu môn học, bài học” , mà trong Thông tư gọi là “yêu cầu cần đạt”.
Trong khi chuẩn đánh giá được quy định trong Thông tư 22 ở mục Căn cứ đánh giá và được nhắc lại trong các hình thức đánh giá là “theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông”.
“Tôi cho rằng, chuẩn đánh giá (quan trọng nhất, khởi đầu cho mọi hình thức đánh giá) như vậy là quá chung chung và không chính xác”, thầy Chính nhấn mạnh.
Lý giải điều này, Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng, chuẩn đánh giá quá chung chung vì trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ nêu 10 năng lực chung, còn trong chương trình các môn học nêu những năng lực đặc thù và những biểu hiện cho mỗi cấp học. Những năng lực này học sinh phải rèn luyện trong suốt 12 năm học và tiếp tục rèn luyện tròn suốt cuộc đời, do vậy không thể là “chuẩn” cho các hình thức đánh giá thường xuyên và định kì cho mỗi lớp học, môn học.
Còn “không chính xác” vì trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và chương trình các môn học quy định các phẩm chất, năng lực chung cũng như chuyên biệt cho học sinh cả nước. Nhưng học sinh với tư cách chủ thể của quá trình rèn luyện năng lực, phẩm chất cho riêng mình thì mỗi nơi mỗi khác, điều kiện từng nhà trường, đội ngũ giáo viên cũng mỗi nơi mỗi khác…. Do vậy lộ trình, cách tiếp cận cũng mỗi nơi mỗi khác.
Để làm việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 5512 hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục môn học riêng cho trường mình. Trong kế hoạch giáo dục môn học các trường cũng xác định “những yêu cầu cần đạt” (mục tiêu môn học). Những yêu cầu cần đạt này vừa đáp ứng “yêu cầu cần đạt “ trong chương trình môn học quốc gia, vừa phù hợp với học sinh trường mình, trong bối cảnh địa phương của trường...Thế thì tại sao không dùng các “yêu cầu cần đạt” trong kế hoạch giáo dục môn học của từng trường làm chuẩn đánh giá?
“Khi chuẩn đánh giá vừa quá chung chung, vừa không chính xác thì kết quả đánh giá có đạt mục đích đánh giá?
Do đó, tôi cho rằng, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn hướng dẫn các trường xây dựng hệ mục tiêu của môn học chi tiết tới từng bài học (những yêu cầu cần đạt). Đây chính là những “chuẩn” để đánh giá thường xuyên cũng như định kì.
Mục tiêu bài học chính là chuẩn để đánh giá thường xuyên, hàng ngày, đạt hay chưa đạt đồng thời chỉ rõ chưa đạt mục tiêu nào và làm thế nào để đạt. Học sinh sẽ biết cách khắc phục để tiến bộ mỗi ngày (đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh). Còn mục tiêu 2 hoặc 3 bài học là chuẩn để đánh giá định kì, cho điểm bao nhiêu cũng là so với số mục tiêu đã đạt. Mục tiêu cả môn học dùng làm chuẩn để đánh giá kết quả học tập môn học đó. Và nếu tất cả mục tiêu môn học đều đạt thì được xem là có chất lượng (“chất lượng là sự trùng khớp với mục tiêu”)….
Muốn vậy hệ mục tiêu môn học, bài học phải đạt 4 tiêu chí: Hành vi hóa (theo các bậc nhận thức), quan sát được; Lượng hóa; Đo lường đánh giá được; Và khả thi”, thầy Nguyễn Đức Chính đề xuất.
Thông tư 22/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 – 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó đến lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.
Theo thông tư này, sẽ có hai hình thức đánh giá học sinh là bằng nhận xét và bằng điểm số.
Với hình thức đánh giá bằng nhận xét sẽ áp dụng đối với các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập những môn này sẽ được đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức Đạt hoặc Chưa đạt.
Việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số áp dụng cho các môn học còn lại.
Quy định mới cũng không tính điểm trung bình tất cả môn học để đưa ra xếp loại học lực như trước mà có sự điều chỉnh. Kết quả của từng học kỳ, năm học được đánh giá theo một trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.