Chuẩn đầu ra ngoại ngữ: Mỗi trường một chuẩn

Yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên ĐH- CĐ hiện nay là điều kiện bắt buộc. Sinh viên không có chứng chỉ sẽ không thể ra trường.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế- ĐHQG TPHCM trong một giờ học.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế- ĐHQG TPHCM trong một giờ học.

Tùy mục đích đào tạo mỗi trường mà sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác nhau.

Chuẩn đầu ra đa dạng, chuẩn ưu tiên xét tuyển hạn hẹp

Theo danh sách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) công bố, tính đến cuối tháng 1/2023, hệ thống GDĐH Việt Nam có 27 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (tiếng Anh).

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được Bộ GD&ĐT ban hành vào ngày 24/1/2014, trên cơ sở ứng dụng khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh ở các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.

Hiện nay, B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên. Tuy nhiên, nhiều trường yêu cầu mức cao hơn, thường là với các ngành liên quan đến ngôn ngữ nước ngoài, ngành chất lượng cao, chương trình liên kết hoặc một số ngành kinh tế hay chương trình trình song ngữ…

Khảo sát tại nhiều trường đại học cho thấy, ngoài việc chấp nhận sử dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc, hầu hết nhà trường chấp nhận chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (bằng cách quy đổi) như: IELTS, TOEIC, TOEFL, APTIS. Mức điểm được xác định đạt ở các trường dao động từ 5.5- 6.0 điểm với chứng chỉ IELTS; từ 450-550 điểm với chứng chỉ TOEIC.

Các ngành ngôn ngữ Anh hay song bằng, hệ chất lượng cao, mức điểm lên tới 600 điểm. Thậm chí, nhiều trường như ĐH RMIT, Khoa Ngoại Ngữ – ĐH Thái Nguyên, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội mức điểm chứng chỉ IELTS sinh viên cần phải đạt để ra trường lên tới 6.5 - 7.0 điểm.

Mức điểm chứng chỉ ngoại ngữ sinh viên cần phải đạt để ra trường tại nhiều trường đại học chấp nhận quy đổi cả B1 lẫn chứng chỉ quốc tế. Tuy vậy, xét tiêu chí đầu vào trong tuyển sinh, thậm chí xét ưu tiên trong xét tuyển (cộng điểm, tuyển thẳng), hầu hết đơn vị chỉ dừng lại ở mức xét các chứng chỉ có giá trị quốc tế như: IELTS, TOEIC, SAT.

Năng lực ngoại ngữ tốt sẽ giúp lao động dễ tham gia vào thị trường lao động.

Năng lực ngoại ngữ tốt sẽ giúp lao động dễ tham gia vào thị trường lao động.

Đơn cử,Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM ở phương thức xét điểm thi THPT năm 2023, thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh, nếu có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS Academic (trên 6.0 điểm) hoặc TOEFL iBT (từ 60- 78 điểm) được quy đổi điểm trung bình môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển là 10 điểm. Nếu điểm IELTS ở mức 5.5 điểm và TOEFL iBT ở mức 46-59 điểm thì điểm quy đổi sẽ là 8.5 điểm.

Trường ĐH Dược Hà Nội cũng cộng điểm ưu tiên với chứng chứng ngoại ngữ quốc tế. Cụ thể, trường cộng điểm khuyến khích cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 5.5 trở lên. Cụ thể, thí sinh có điểm IELTS 5.5 được cộng 0,25 điểm, IELTS 6.0 được cộng 0,5 điểm, IELTS 6.5 được cộng 0,75 điểm, IELTS 7.0 được cộng 1 điểm, IELTS 7.5 được cộng 1,25 điểm, IELTS 8.0 được cộng 1,5 điểm, IELTS 8.5 được cộng 1,75 điểm, IELTS 9.0 được cộng 2 điểm.

Trường ĐH Luật TPHCM năm 2023 cũng ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn thời hạn (đến ngày 30/6/2023). Điều kiện để tuyển thẳng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương). Có 1 trong số các chứng chỉ sau đây: IELTS ≥ 5.5 hoặc TOEFL iBT ≥ 65 điểm. DELF B1 ≥ B1 hoặc TCF ≥ 300 điểm.

Năng lực ngoại ngữ sinh viên cũng nhiều tầng nấc

Nghiên cứu và công nhận các loại chứng chỉ ngoại ngữ để xét đầu ra cho sinh viên dựa vào đặc thù đào tạo của đơn vị, vùng miền và cả năng lực ban đầu của sinh viên.

Thực tế ghi nhận ở nhiều trường đại học cho thấy rõ điều đó khi với sinh viên khối các trường Khoa học xã hội, Nông lâm hay các trường khu vực xa, chủ yếu vẫn sử dụng và yêu cầu sinh viên hoàn thành chứng chỉ B1 theo quy định khung 6 bậc ngoại ngữ Châu Âu hoặc quy đổi sang chứng chỉ quốc tế IELTS (4.0-4.5 điểm), TOEIC (400 – 450 điểm).

Tuy vậy, không phải sinh viên nào cũng dễ dàng hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ nếu không có kế hoạch và lộ trình học tập bài bản. Nguyễn Minh Tr, ngành Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM đã tốt nghiệp một năm vẫn luyện thi chứng chỉ IELTS để cố lấy 450 điểm nhằm hoàn thành nghĩa vụ chuẩn đầu ra với nhà trường, mặt khác để có thể đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của đơn vị tuyển dụng khối FDI.

“Rất vất vả nhưng buộc phải vừa học vừa làm để có thể đạt chứng chỉ IELTS trong kỳ thi sớm nhất. Tôi chọn thi IELTS vì nhiều lý do (linh hoạt, nhiều khóa thi) chứ thi theo chuẩn B1 của trường hơi lâu mà đơn vị tuyển dụng cũng không mặn mà”- Tr nói.

Theo ThS Trần Nam, Trưởng phòng Tuyển sinh và quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM, sinh viên bị “treo bằng” vì nợ đầu ra ngoại ngữ khá nhiều. Để hỗ trợ người học, trường thành lập Trung tâm ngoại ngữ tổ chức giảng dạy tiếng Anh. Trong quá trình học, sinh viên được kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Hết năm thứ 2, sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ mới được học tiếp năm 3. Nhờ vậy, hiện mỗi năm tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn "nhích lên một chút" so với trước kia.

Bảng quy đổi điểm ưu tiên xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của các trường.

Bảng quy đổi điểm ưu tiên xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của các trường.

Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM trước đây không bắt buộc sinh viên phải học tiếng Anh trong trường mà chỉ có những kỳ kiểm tra nội bộ để sinh viên tự đánh giá và điều chỉnh. Tiến độ học tập vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của sinh viên.

Tuy vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, thời gian qua, trường nhận thấy số sinh viên bị nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ tương đối nhiều nên từ khóa 2022, nhà trường thử nghiệm đưa tiếng Anh thành học phần bắt buộc. Theo đó, sau khi nhập học, sinh viên trải qua bài kiểm tra ngoại ngữ của trường, nếu có năng lực khá trở lên được tự chọn lộ trình học tiếng Anh theo kế hoạch cá nhân. Ngược lại, sinh viên có kết quả thấp bắt buộc phải tham gia lớp học tiếng Anh trong trường.

“Hiện chương trình đào tạo chính quy có bốn học phần tiếng Anh. Hết năm thứ nhất, sinh viên phải hoàn thành học phần 1. Học phần 2, 3 được hoàn thành trong năm thứ hai. Đến năm ba, sinh viên hoàn thiện học phần 4. Đạt bốn học phần, sinh viên đã tiệm cận chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường là TOEIC 650 điểm” –PGS.TS Bùi Hoài Thắng.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-dau-ra-ngoai-ngu-moi-truong-mot-chuan-post629098.html