Chuẩn hóa đội ngũ, xây dựng nhà trường thông minh

Những năm gần đây, trước yêu cầu mới về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Trường Sĩ quan Lục quân 2 không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT); trong đó, nhà trường tiếp tục chuẩn hóa, nâng tầm đội ngũ giảng viên, coi trọng chất lượng toàn diện hướng tới mục tiêu xây dựng nhà trường thông minh.

Tiết học lý thuyết môn Chiến thuật Binh chủng hợp thành cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội diễn ra sôi nổi nhờ giảng viên vận dụng phương pháp dạy học tích cực, sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ; đồng thời gợi mở vấn đề cho học viên nêu ý kiến trao đổi để nắm chắc nội dung. Tiết học trở nên hấp dẫn, không còn tình trạng thụ động lĩnh hội kiến thức mà có sự tương tác giữa người dạy với người học. Kết thúc giờ huấn luyện, Đại tá Chu Hữu Quân, Chủ nhiệm bộ môn (Khoa Chiến thuật), cho biết: "Đó là kết quả của việc cụ thể hóa đề án chuẩn hóa, hiện đại hướng tới xây dựng nhà trường thông minh; trong đó các khoa giáo viên tích cực “chuẩn hóa” nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng; lấy chất lượng người học và kết quả vận dụng kiến thức vào thực tiễn sau khi ra trường làm trung tâm. Do vậy, ngay trong từng bài giảng, chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ bài giảng thêm sinh động, đạt chất lượng tốt nhất.

Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là nội dung quan trọng trong đề án xây dựng nhà trường theo hướng “chuẩn hóa”, hiện đại với bước đi, lộ trình cụ thể, khoa học, được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị của trên. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện; duy trì hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đội ngũ giảng viên chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và thể lực. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường: Quá trình thực hiện đề án, nhà trường chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, giảng viên, làm cơ sở cho việc quy hoạch, nhất là quy hoạch cán bộ chủ trì, cán bộ khoa học đầu ngành, giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực toàn diện… bảo đảm đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý, hình thành lớp cán bộ đương nhiệm, kế cận, kế tiếp, có tính kế thừa liên tục, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Đi đôi với công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nhà trường tích cực bố trí cán bộ, giảng viên đi thực tế ở các đơn vị cơ sở, tham quan học tập tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, để họ có điều kiện nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều năm qua, nhà trường đã vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tạo nguồn đội ngũ giảng viên; trong đó, coi trọng lựa chọn những học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, những cán bộ có năng lực, trình độ học vấn, khả năng phát triển lâu dài… từ các đơn vị, nhà trường để bồi dưỡng làm giảng viên và đưa vào nguồn quy hoạch; đẩy mạnh thực hiện “chuẩn hóa” chức danh, đánh giá, sử dụng đúng năng lực, trình độ, tạo động lực để cán bộ, giảng viên phấn đấu vươn lên.

Nhiều năm nay, một trong những giải pháp chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, được nhà trường và các khoa giáo viên áp dụng hiệu quả là tổ chức hội thi giảng viên giỏi để tạo môi trường, điều kiện cho giảng viên cọ xát, học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, trau dồi phương pháp, tác phong sư phạm. Đại tá, TS Vũ Đình Cường, Phó chủ nhiệm Khoa Sư phạm quân sự, chia sẻ: "Tham gia hội thi, giảng viên phải tự mình cập nhật bổ sung kiến thức mới, nghiên cứu sâu nội dung, dự kiến các tình huống và sử dụng công nghệ thông tin soạn bài giảng điện tử, trình chiếu nội dung giảng dạy; đồng thời được tập thể khoa và tổ bộ môn góp ý cả về nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả nhất. Nhờ đó, trình độ, năng lực của giảng viên được nâng lên, tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ".

Chủ trương xây dựng nhà trường chuẩn hóa, hiện đại còn được thể hiện ở việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy-học, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiện đại; chú trọng xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại tại trung tâm mô phỏng để nâng cao năng lực huấn luyện và thực hành luyện tập với các tình huống sát thực tế chiến đấu; gắn việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại với đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ; đồng thời khuyến khích giảng viên khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật số vào phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động nâng cấp, cải tiến hệ thống thông tin tư liệu, thư viện số, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT. Đặc biệt, nhà trường đã có hệ thống camera tại các phòng học, khu vực thi và kiểm tra tập trung kết nối với phòng điều hành huấn luyện, các khoa, ban khảo thí và Ban giám hiệu để bảo đảm dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 nhấn mạnh: "Những biện pháp đồng bộ chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và các yếu tố liên quan là cơ sở để xây dựng nhà trường hiện đại, hướng tới mục tiêu nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GD-ĐT, góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc".

CHÂU GIANG - NHỰT LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuan-hoa-doi-ngu-xay-dung-nha-truong-thong-minh-605497