Lương cơ sở tăng, giáo viên vùng cao phấn khởi, yên tâm gắn bó với nghề
'Nhằm ổn định cuộc sống, gia đình các giáo viên vay ngân hàng để mua đất làm nhà... Tăng lương, sẽ giúp họ giảm gánh nặng về tài chính'.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.
Đối với giáo viên công tác tại vùng cao, việc được tăng mức lương cơ sở sẽ giúp họ trang trải thêm được nhiều khoản chi phí sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống còn nhiều khó khăn.
Cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng Trường mầm non Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ, cô quê ở Thái Bình cùng chồng cũng là cũng giáo viên lên Hà Giang sinh sống và giảng dạy đến nay được khoảng 20 năm. Trong quá trình công tác, cô nhớ bản thân đã được 5 lần tăng mức lương cơ sở.
Cô Dung nhớ lại, những ngày đầu mới lên vùng cao công tác, không người quen, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, có lúc cô muốn bỏ về quê. Tuy nhiên, cô bình tâm lại, nhận thấy bản thân vốn sinh ra trong khốn khó đều đã vượt qua được nên tiếp tục cố gắng phấn đấu.
Hiện tại cô được nhận mức lương với hệ số 3,96 cùng các khoản phụ cấp ở xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III), tổng thu nhập khoảng 17 triệu đồng.
Kể từ ngày 1/7, mức lương cơ sở dự kiến tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, cô Dung nhẩm tính, mức lương cô có thể được nhận là 20 triệu đồng/tháng.
Khi được hỏi về kế hoạch sau khi được tăng lương, cô Dung thẳng thắn chia sẻ: "Năm nay, cháu đầu cũng chuẩn bị học đại học, cháu nhỏ đang học lớp 5. Lương của hai vợ chồng được tăng, đây là sẽ là khoản tiền để chu cấp cho các cháu ăn học, bên cạnh đó, gia đình tôi cũng dự tính sửa sang lại căn nhà".
Hiệu trưởng Trường mầm non Sủng Trà chia sẻ, nếu như bản thân cô vui "một", cô cảm thấy vui "mười" cho các giáo viên trong trường.
Bởi lẽ, nhằm ổn định cuộc sống, nhiều gia đình giáo viên đã vay ngân hàng để mua đất làm nhà... Tăng lương sẽ giúp họ giảm gánh nặng về tài chính.
"Mức lương của giáo viên trong trường tôi trung bình khoảng 9 triệu đồng. Giáo viên công tác lâu năm có mức mức lương cao nhất là khoảng 15 triệu đồng. Ngày 1/7, chúng tôi được nghe thông tin chính thức tăng lương cơ sở. Mọi người trong nhóm trên mạng xã hội đều nói: 'Thích quá, thích quá....'.
Việc tăng lương sẽ giúp đời sống của giáo viên được cải thiện, yên tâm gắn bó công tác", cô Dung chia sẻ.
Theo cô Dung, về việc tăng lương của các giáo viên, bộ phận Kế toán của nhà trường sẽ phải làm dự toán dự trù kinh phí được tăng và sau đó gửi Phòng Tài chính huyện. Thông thường, giáo viên được nhận lương vào khoảng ngày 10 hằng tháng.
Thầy Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phú Lũng (huyện Yên Minh, Hà Giang) cho hay, nhà trường thuộc địa phương giáp biên giới Trung Quốc, cách khoảng hơn một cây số.
Đến nay, thầy đã công tác trong ngành giáo dục được 37 năm, bản thân thầy cũng không nhớ rõ số lần thay đổi mức lương cơ sở. Tuy nhiên, thầy vẫn nhớ những ngày đầu mới vào nghề thời bao cấp: "Mức lương của tôi khi mới vào nghề, tôi được khoảng 5 nghìn đồng, tương đương mua được khoảng chục cân thịt lợn. Lúc đó lương thấp lắm, bà con cũng thương nên hỗ trợ mình nhiều cái như cho rau củ...".
Năm 26 tuổi, thầy Hồng Anh lập gia đình, vợ thầy cũng là giáo viên. Để trang trải cuộc sống ngoài đồng lương giáo viên ít ỏi, vợ chồng thầy làm thêm nấu rượu, chăn nuôi lợn, gà, trồng rau...
Khó khăn là vậy nhưng thầy vẫn quyết tâm yêu nghề dạy học đến cùng, bởi thầy cũng là người địa phương, luôn mong cho con em nơi đây có cái chữ để nên người.
Chia sẻ về mức lương hiện tại, thầy Hồng Anh cho hay, thầy đang được nhận mức lương với hệ số 5,36 cùng với các khoản phụ cấp, thầy nhận được 23 triệu đồng/tháng. Khi lương tăng, thầy có thể nhận được khoảng thêm 3 triệu đồng là 26 triệu đồng/tháng.
Với mức lương được tăng thêm, thầy Hồng Anh cũng như người vợ cũng là giáo viên sắp về hưu cảm thấy rất phấn khởi.
Bởi lẽ, điều kiện sống ở địa phương rất khó khăn, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 250 nghìn đồng/m3 nước...hay như lương thực là gạo cũng phải chuyển từ dưới xuôi lên đây. Giá thịt lợn ở địa phương là khoảng 130-140 nghìn đồng/cân, cao hơn ngoài thị trấn Yên Minh khoảng 30-40 nghìn đồng/cân.
Chia sẻ thêm về hoạt động của nhà trường, thầy Hồng Anh cho hay, nhà trường trước đây thuộc xã khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn) tuy nhiên kể từ khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành khu vực I vào năm 2021, nhà trường bị cắt hết các chế độ của xã khu vực III dành cho giáo viên, học sinh.
Theo đó, các em học sinh của nhà trường hầu hết là dân tộc thiểu số không còn được hỗ trợ ăn bán trú và khoản tiền mua đồ dùng học tập từ Nghị định 81/2021/NĐ-CP với mức 150 nghìn đồng/tháng/năm học...
"Có em nhà cách trường hơn 20 cây số, bố mẹ đèo em đến trường và cho con mang theo gói cơm để ăn trưa. Nhà trường cũng hỗ trợ các em bằng cách đi xin gạo để về thổi cơm nhưng không phải lúc nào cũng xin được", thầy Hồng Anh trải lòng và cho hay, nếu như trước đây nhà trường thuộc xã khu vực III, tổng mức lương thầy nhận được là khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Cô Đào Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường mầm non Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang) cho hay, cô đang được nhận mức hệ số lương là 3,99 và cùng với các khoản phụ cấp ở khu vực đặc biệt khó khăn, cô được nhận khoảng 17 triệu đồng/tháng.
Về việc tăng mức lương cơ sở thêm 30% từ ngày 1/7, cô Xuân nhẩm tính cô sẽ có thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, cô Xuân cho biết, vợ chồng cô có hai con, một con chuẩn bị vào lớp 8 và bé còn lại vào lớp 3. Gia đình cô sinh sống cách trung tâm huyện Bắc Quang (Hà Giang) khoảng năm cây số, thỉnh thoảng cô mới về nhà. Chồng cô là giáo viên dạy tiểu học ở xã khu vực II.
"Mức lương của chồng tôi khoảng 12 triệu đồng/tháng, lương tăng, anh ấy sẽ nhận hơn 13 triệu đồng/tháng. Chồng tôi có chia sẻ, nghe tin chính thức tăng lương, anh ấy cảm thấy rất vui", cô Xuân cho hay.
Hằng ngày, hai con của cô Xuân được chú thím đưa đón đến trường lớp và cũng được gia đình cô hỗ trợ chi phí xăng xe.
Cô Xuân nhẩm tính, chi phí nuôi hai con ăn học khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng biếu bố mẹ bên nội, ngoại ở quê để họ thuốc thang khi ốm đau.
Vì vậy khi lương được tăng, cô và chồng cũng chưa nghĩ đến việc sắm sửa hay đi du lịch.
Chia sẻ về đời sống ở địa phương nơi cô đang công tác, cô Dung cho hay, do việc đi lại còn nhiều khó khăn, nên chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ. Ví dụ như, người dân muốn mua thịt bò sẽ phải ra trung tâm huyện để mua, bởi ở địa phương chỉ có thịt lợn, hoặc rau củ thì ở đây được trồng theo mùa như mùa rau cải, mùa rau bí...
Trước khi về nhà trường, cô công tác tại Trường mầm non Hữu Lũng (Yên Minh, Hà Giang), nơi đây có nhiều khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt, mùa hè giáo viên phải đi lấy nước ở những khe gần biên giới cách trường vài cây số.