Chuẩn hóa sản phẩm du lịch chữa lành

Khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới cho thấy có đến 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe trong năm 2023. Nhu cầu du lịch chữa lành lớn nhưng ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn chưa có sản phẩm đa dạng và chuyên sâu.

Thưởng trà là một sản phẩm du lịch để cân bằng sức khỏe tinh thần

Thưởng trà là một sản phẩm du lịch để cân bằng sức khỏe tinh thần

Nhu cầu lớn, sản phẩm chưa đa dạng

Sau hơn 2 năm chịu nhiều áp lực, thậm chí mất mát vì đại dịch COVID-19, nhiều người lại mong muốn hơn về những chuyến “xê dịch” chữa lành. Trong một lần đến Huế, chị Nguyễn Thị Hải An (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Là người mê đi đây đó khám phá, nhưng từ khi dịch COVID-19 cướp đi người thân, mình gần như tuyệt vọng. Mình không còn mặn mà vi vu khắp các cung đường đẹp, khám phá những điểm đến mới… mà chỉ muốn cân bằng, làm mới lại cảm xúc, thư giãn thân tâm, hướng đến những giá trị sống tích cực”.

Tâm sự của chị An “trùng khớp” với kết quả khảo sát nhỏ của chúng tôi trên hàng chục vị khách đến Huế. Ở một mức độ lớn hơn nhiều, kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) cho thấy có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe trong năm 2023; 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý. Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute) cũng đưa ra báo cáo, đến hết năm 2022, doanh thu mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, tương đương 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.

Du lịch chữa lành (Wellness tourism) được biết đến nhờ thiên hướng cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất lành mạnh. Nếu như du lịch chữa bệnh (Medical tourism) tập trung vào việc khám, chữa bệnh thì du lịch chữa lành thiên về nghỉ ngơi, thư giãn, giúp du khách nuôi dưỡng thể chất và tinh thần. Từ sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu thế này ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Trên thực tế, ngành du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đã có nhiều giải pháp đón đầu và phát triển du lịch chữa lành. Tại mảnh đất Cố đô, ngành du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế tự nhiên như có nhiều điểm suối khoáng nóng, nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm cùng các kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc, nền y học cổ truyền, hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với thiên nhiên; hệ thống đầm phá, bãi biển đẹp trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch chữa lành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không riêng gì Huế mà việc khai thác loại hình du lịch chữa lành ở Việt Nam chưa xứng với tiềm năng.

Trong một chia sẻ với báo chí, Nhà sáng lập DiDi Travel Bùi Trí Nhã đánh giá du lịch chữa lành ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu nên chưa đa dạng và chuyên nghiệp. Ngoài một số ít sản phẩm đã định hình tương đối rõ về yếu tố chữa lành, thì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp, địa phương mới dừng ở nâng cao sức khỏe phần thân như massage, xông hơi, ngâm chân... mà chưa chuyên sâu về các hoạt động chăm sóc phần tâm, hoặc có hướng đến tâm nhưng chưa thật đủ.

Chuẩn hóa sản phẩm để hút khách

Phát triển du lịch chữa lành là hướng đi giúp thu hút dòng khách chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần khắc phục tính mùa vụ của du lịch nước nhà. Nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng loại hình du lịch này, ngành du lịch và các địa phương cần xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chữa lành phù hợp từng phân khúc thị trường khách theo độ tuổi, nền văn hóa, tạo được nét đặc thù, đồng thời có khả năng cạnh tranh với các điểm đến.

Du lịch chữa lành tập trung vào mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người trải nghiệm, vì lẽ đó việc nhân rộng, tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp chăm sóc sức khỏe với các hoạt động như: thiền, yoga, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng, chẩn trị y học cổ truyền, trị liệu tâm lý... là hướng đi có thể khai thác. Các chuyên gia du lịch trong nước cho rằng, ngoài hoạt động tham quan điểm đến, các sản phẩm du lịch phải thiết kế dưới dạng để du khách có thể kết nối với những hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh nhằm tìm kiếm sự cân bằng, thư giãn và niềm vui nội tại thay vì di chuyển nhiều.

Muốn xây dựng sản phẩm du lịch chữa lành có hiệu quả, cần có sự phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp chữa lành tâm, thân, trí. Cần xây dựng liệu trình, bộ tiêu chí chuẩn hóa dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; cần có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước... Việc nghiên cứu kỹ đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, xây dựng tour chữa lành mang tính chuẩn mực, công bố các tiêu chí cần đáp ứng của đội ngũ chuyên gia chữa lành... là điều cần nhanh chóng triển khai, với vai trò chính của các cơ quan quản lý về du lịch. Cũng từ những nghiên cứu này, mới có thể chuẩn hóa được sản phẩm du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa lành là một trong những loại hình du lịch nằm trong định hướng phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Ngành du lịch và các doanh nghiệp đang nỗ lực thiết kế các chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp, trong đó có các tour du lịch kết hợp thiền, yoga…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/chuan-hoa-san-pham-du-lich-chua-lanh-134549.html