Chuẩn hóa việc thực hành tín ngưỡng

Chương trình văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhằm tôn vinh nét đẹp trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, quảng bá văn hóa truyền thống đến với công chúng trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch bằng những trải nghiệm hấp dẫn...

Diễn xướng hầu đồng là một nghi lễ đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN.

Diễn xướng hầu đồng là một nghi lễ đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Còn nhớ, cuối tháng 3/2023, Viện Nhân học Văn hóa tổ chức tọa đàm khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”, nhằm chia sẻ kiến thức, giải đáp thắc mắc về tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như khẳng định lại những giá trị, ý nghĩa mà tín ngưỡng thờ Mẫu đem lại. PGS.TS Đỗ Lai Thúy nói rằng, ông mê đắm mỗi khi nghe hát Văn trong mỗi giá đồng bởi đây là nghệ thuật kết hợp rất nhiều âm nhạc, mang tính chất tâm linh.

Tới nay, sau 8 năm được UNESCO ghi danh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chứng tỏ sức lan tỏa của một di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì tại một số địa phương khi thực hành tín ngưỡng này cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, trong đó có việc đốt lượng vàng mã quá mức ở các đền phủ. Kể cả việc biến tướng khi các thầy, thủ nhang không hướng dẫn con nhang đệ tử theo đúng chuẩn mực. Đôi khi còn xuất hiện những giá hầu (đồng) không có trong truyền thống.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nguyên bản có 36 giá đồng. Mỗi vấn hầu đều có niêm luật chặt chẽ. Nhưng trong nhiều trường hợp cả người tổ chức lẫn các thanh đồng đều “quá đà”, dẫn tới hiện tượng mê tín, dị đoan, trong khi bước vào hầu thánh thì cái tâm phải trong sáng, hướng thiện, gương mẫu.

Nhiều người bày tỏ lo lắng khi một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt là tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến dạng. Nhiều người thực hành nghi lễ có sự lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu đến vũ đạo làm mất đi sự nghiêm túc và tính thiêng.

Chưa kể một số đồng thầy lợi dụng lòng tin của tín chủ để hăm dọa, gây tâm lý lo sợ, hoang mang. Việc ban phát lộc còn nặng về vật chất, có sự phân biệt về quan hệ, vị thế, làm mất đi tính chất vô tư của văn hóa thờ Mẫu.

Nhằm ngăn chặn những hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng tới giá trị di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3156 triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Công văn nhấn mạnh: Phải có những hành động thiết thực nhằm định hướng bảo tồn và phát huy bền vững những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn các hiện tượng biến tướng, mê tín dị đoan, lãng phí.

Tuy nhiên, việc biến tướng chưa chấm dứt. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, để khắc phục cần có các khảo sát thiết thực về Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống đương đại; cập nhật các cách thức thực hành đang diễn ra, từ đó định hình đâu là giá trị cốt lõi của di sản, đâu là kế thừa sáng tạo, đâu là biến tướng, có nguy cơ làm mai một hay ảnh hưởng đến di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này. Nhất là phải hạn chế tình trạng sân khấu hóa, phô trương một cách hình thức. Vì điều đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc thay đổi tính chất và giá trị vốn có của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi nhiễu loạn, biến tướng, lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, lừa đảo, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trở lại với việc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu chương trình trải nghiệm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần, đó cũng chính là việc làm thiết thực góp phần “chuẩn hóa” việc thực hành tín ngưỡng cần được ghi nhận, khuyến khích.

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuan-hoa-viec-thuc-hanh-tin-nguong-10283489.html