Chuẩn mực văn hóa trong môi trường số

Việt Nam hiện có gần 80 triệu người, tương đương 80% dân số đang tham gia môi trường số, trong đó, người trẻ chiếm số lượng lớn. Nhưng đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ văn minh thấp trên không gian mạng theo Microsoft công bố.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế, tình trạng lệch chuẩn văn hóa, lệch chuẩn xã hội đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức phức tạp trên môi trường số trong thời gian qua. Những chủ đề người Việt Nam thường có những hành vi ứng xử không đúng mực bao gồm: các mối quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình, chủng tộc, chính trị và văn hóa.

Theo các nhà quản lý văn hóa, với đặc tính ảo, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, không gian số cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những hành vi sai lệch dễ dàng sinh sôi nảy nở, khi mà những chuẩn mực về văn hóa và con người của thời kỳ mới chưa được xây dựng. Những biểu hiện sai lệch về đạo đức và văn hóa trên môi trường số được tập trung nhất trên các mạng xã hội, với đủ các hình thức từ những “trạng thái cảm xúc” trên Facebook, những bức ảnh và đặc biệt gần đây nở rộ các video ngắn dàn dựng ở TikTok, YouTube.

Sau livestream bán hàng dùng đủ chiêu trò quá lố đến múa may trên đường băng, nhảy lên băng chuyền, làm clip chê bai, nói xấu vùng miền, người dân tộc thiểu số đến những món ăn “siêu to, siêu khổng lồ”, “ăn tươi nuốt sống”, rồi tràn lan clip bạo lực nhuốm màu giang hồ mạng, trào lưu khoe thân trên mạng... Và tất cả đều được chia sẻ rất tích cực. Kèm theo đó là ngôn từ phản cảm, hình ảnh tiêu cực được tải lên tuồn tuột, trong khi các bộ lọc cần thiết chưa thể phát huy hiệu quả. Người dùng click vào xem và vô tình “nhiễm độc” tâm hồn rồi dần dà điều khiển ý thức, hành động, thói quen của họ.

Hệ quả là nhiều người trẻ gồng mình tô vẽ bản thân trên mạng xã hội khác xa với đời thực. Không ít người coi số lượt like, comment, share các hình ảnh, bài viết mà cá nhân đăng tải trở thành thước đo giá trị cá nhân. Với họ, sự tương tác, hình ảnh trên thế giới ảo quan trọng đến mức sẵn sàng đánh đổi con người thật, các mối quan hệ thật, thậm chí là danh dự của bản thân.

Cùng với đó, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, sống thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không dám can ngăn... ngày càng phổ biến.

Mặc dù, từ tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” với những quy định chi tiết, rõ ràng, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ quy tắc chỉ điều chỉnh về mặt đạo đức, chứ chưa thể điều chỉnh về mặt pháp lý, nên với nhiều người thiếu ý thức khi tham gia mạng xã hội chưa đủ sức răn đe ngăn chặn những hành vi loạn chuẩn văn hóa và đạo đức.

Chính vì thế, xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam thời kì mới trên môi trường số trở thành một vấn đề bức thiết để điều chỉnh những hành vi trên môi trường số, góp phần hình thành những giá trị văn hóa chuẩn mực trong thời đại số để mỗi người tự soi chiếu.

Các chuyên gia kiến nghị, trước hết, cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng số, trách nhiệm xã hội của tất cả mọi thành viên xã hội tham gia hoạt động trong môi trường số, trên các mạng xã hội. Đây là giải pháp căn bản nhất trong bối cảnh số hóa, mỗi người dân vừa là người tiêu dùng các sản phẩm số, vừa là người tạo nội dung số trên các trang mạng xã hội và internet nói chung.

Song song với đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy, các quy định, thể chế về môi trường số, mạng xã hội với những chế tài đủ mạnh, phù hợp để ngăn ngừa, xử lý và loại bỏ những hành vi lệch chuẩn, loạn chuẩn, thiếu văn hóa trên không gian mạng, đặc biệt là với các hành vi vi phạm pháp luật.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuan-muc-van-hoa-trong-moi-truong-so-post481396.html