Chuẩn tinh bí ẩn trong vũ trụ non trẻ
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện chuẩn tinh (quasar) ở rất xa trong vũ trụ khả kiến.
Ánh sáng từ quasar mà chúng ta nhận được hiện nay, chính là thứ ánh sáng phát ra ở thời điểm 700 triệu năm sau Vụ Nổ lớn, Quasar có tên là Poniuaena, theo thổ ngữ Hawaii có nghĩa là "nguồn quay vô hình tạo ra ánh sáng bao quanh".
Đây là thiên thể ở rất xa chúng ta. Nó chứa một lỗ đen siêu nặng, có khối lượng bằng 1,5 tỷ khối lượng Mặt trời. Phát hiện được công bố trên tạp chí "Astrophysical Journal Letters" (Mỹ).
Quasar chứa siêu lỗ đen, hoạt động tại trung tâm thiên hà. Khí vật chất từ thiên hà di chuyển về phía lỗ đen, tạo ra một lượng năng lượng khổng lồ, khiến quasar phát sáng mạnh, làm lu mờ toàn bộ thiên hà.
"Poniuaena là đối tượng ở xa chúng ta nhất, trong đó có chứa lỗ đen với khối lượng vượt quá 1 tỷ khối lượng Mặt trời" – tiến sĩ Jinyi Yang ở Đài Quan sát Steward thuộc ĐH Arizona (Mỹ) cho biết.
Khối lượng này không chỉ khó hình dung mà còn khó được các mô hình vũ trụ hiện hành chấp nhận. Để có lỗ đen lớn tại 1 điểm của vũ trụ non trẻ, cần phải có một số điều kiện rất đặc biệt.
Lỗ đen cung cấp năng lượng cho Poniuaena phải khởi đầu trong vai trò lỗ đen từ thời điểm 100 triệu năm sau Vụ Nổ lớn, với khối lượng bằng 10.000 lần khối lượng Mặt trời.
Vấn đề là ở chỗ, sự gia tăng khối lượng lỗ đen bắt đầu muộn hơn rất nhiều.
"Làm thế nào mà vũ trụ trong giai đoạn non trẻ lại có thể tạo ra được một lỗ đen khổng lồ như vậy? Phát hiện này là thách thức lớn nhất đối với thuyết hình thành và phát triển lỗ đen trong vũ trụ non trẻ" – Giáo sư Xiaohui Fan ở ĐH Arizona, cho biết.
Các quan sát tiếp theo, trong đó có sử dụng Kính Viễn vọng cực lớn và Kính không gian James Webb, sẽ được thực hiện trong tương lai không xa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-tinh-bi-an-trong-vu-tru-non-tre-20200707105252440.html