Chực chờ 'bom nổ chậm' khi nhà thầu xây dựng tham vọng chia lại 'miếng bánh' thị phần bất động sản
Có nhiều lợi thế để 'lấn sân' sang đầu tư dự án vì sự kết nối tương đối lớn, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang rót cả 'núi tiền' với tham vọng tận dụng thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận.
Một trong những động thái rõ ràng cho quyết tâm tìm động lực mới trong năm 2024 của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) - doanh nghiệp chuyên thi công, lắp đặt công trình, là góp vốn thành lập công ty mới hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
“Chuyển vai” từ nhà thầu sang chủ đầu tư
Cụ thể, HVH góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó HVC Group góp 105 tỷ đồng, tương đương 70%. Còn lại thuộc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.
Một công ty xây dựng khác là Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng đang tích cực xúc tiến đầu tư các dự án bất động sản. Mới nhất, HTN nằm trong số các liên danh đăng ký tham gia thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị Cầu Rào 2, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Thực tế, chuyện các nhà thầu “lấn sân” sang bất động sản không còn quá xa lạ. Trước đó, hàng loạt các ông lớn xây dựng như Ricons, Newtecons, Fecon, Coteccons... cũng lần lượt xuất hiện trong vai trò trực tiếp đầu tư dự án.
Đơn cử, Coteccons (CTD) đang đầu tư vào dự án The Emerald 68 tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Lê Phong Group). Đây là dự án đầu tiên Coteccons đóng vai trò nhà phát triển.
Tham vọng lấn sân sang bất động sản của Coteccons vốn đã được toan tính trong thời gian dài. Từ năm 2021, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT CTD đã vạch ra chiến lược trong 5 năm tiếp theo Coteccons sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng mảng hạ tầng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công, đồng thời hỗ trợ vốn ít nhất cho 2 dự án bất động sản.
Trước CTD, Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản, với mục tiêu mở rộng nguồn thu bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp. Tiêu chí của công ty là đầu tư có chọn lọc, liên kết với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.
Cùng với đó, Newtecons - một tên tuổi đang có những tăng trưởng thần tốc do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập cũng đang có định hướng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào bất động sản.
Đối diện nhiều khó khăn
Theo nhìn nhận của giới quan sát và cả những người trong cuộc, việc lấn sân sang bất động sản đang là xu hướng của nhiều nhà thầu xây dựng. Nguyên nhân, một phần được cho là thị phần ngành xây dựng đang dần bị co lại.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) từng thừa nhận ngành xây dựng đang trong giai đoạn rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí tình trạng làm dưới giá vốn đang trở nên phổ biến.
Khó khăn buộc các nhà thầu phải chuyển hướng sang nước ngoài hoặc tìm cách mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, những diễn biến từ thực tế cho thấy cạnh tranh là rất khốc liệt. Ngay cả những nhà thầu hàng đầu cũng thừa nhận khó khăn này.
Đặc biệt, khi sức đề kháng của ngành xây dựng chưa kịp hồi phục sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng "cơn bão giá" vật liệu tăng cao, thì việc tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bất động sản có thể khiến doanh nghiệp xây dựng yếu càng thêm yếu.
Ngay cả như với Coteccons, một nhà thầu được xem là một trong những trường hợp "cá biệt" của ngành xây dựng trong năm 2023 khi ghi nhận doanh thu 16.524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng và là năm có lợi nhuận trở lại ngưỡng trăm tỷ đồng sau 3 năm sụt giảm.
Tuy nhiên, khi đầu tư sang bất động sản, lãnh đạo CTD cũng từng nhiều lần thể hiện sự “khiêm tốn”. Ông Bolat Duisenov từng khẳng định doanh nghiệp này không đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản và cạnh tranh với các khách hàng hiện nay mà sẵn sàng đồng hành với khách hàng để san sẻ rủi ro, cùng nhau tạo ra lợi nhuận.
Tương tự, một ông lớn khác của ngành xây dựng là Hòa Bình (HBC) dù cũng có không ít tham vọng lấn sân sang làm dự án, nhưng có thể là do nhìn thấy những khó khăn phải đối diện, nên doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải vẫn chú trọng việc “xuất ngoại” hơn.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, dòng tiền vận hành eo hẹp, khiến ngay cả một ông lớn giàu tiềm lực như Coteccons hay Hòa Bình cũng đang bị đặt dấu hỏi khi lấn sân sang bất động sản, thì việc các nhà thầu khác có tham vọng chia lại thị phần ngành địa ốc rõ ràng là thách thức rất lớn.
Chia sẻ với VnBusiness, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng có tiếng tại TP.HCM, cho hay công ty ông xác định không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Trong bối cảnh lĩnh vực nhà đất đang hồi phục, công ty đang muốn đi trước một bước, tranh thủ lúc thị trường đang lên, dùng nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo nhà thầu thừa nhận: “Việc đầu tư trực tiếp vào dự án từng khiến nhiều công ty có tầm cỡ rơi vào khó khăn, thua lỗ. Vì vậy, chúng tôi rút kinh nghiệm, xác định làm xong dự án, bán được là bán ngay, không ôm đồm, tích tụ”.