Chức năng chủ trì của BĐBP được khẳng định trong cả lý luận và thực tiễn

Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng tham gia làm nhiệm vụ, vì vậy, cần thiết phải xác định và luật hóa lực lượng làm nhiệm vụ chủ trì, nòng cốt, chuyên trách về an ninh, trật tự tại khu vực chiến lược này, tránh tình trạng 'dễ làm, khó bỏ'. Các nghị quyết của Trung ương cũng như thực tiễn thời gian qua cho thấy, lực lượng BĐBP đã khẳng định được vai trò chủ trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ này.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng kiểm tra người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, cửa khẩu. Ảnh: Linh Đan

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng kiểm tra người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, cửa khẩu. Ảnh: Linh Đan

Trên cơ sở thực tiễn trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ, BĐBP có 28 năm thuộc Bộ Công an, hơn 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, trong mọi hoàn cảnh, lực lượng BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở khu vực biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 1.873 vụ/3.025 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 6,1 tấn ma túy các loại. Trong phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý, đưa đi cách ly theo quy định 20.368 người xuất, nhập cảnh trái phép. Hiện nay, BĐBP đang duy trì 1.608 tổ chốt với hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ trên chiều dài hơn 5.000km biên giới đất liền, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Mới đây, tại phiên Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), có ý kiến đề nghị cân nhắc chức năng “chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” và xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp để tránh chồng chéo với Luật Công an nhân dân; có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “chủ trì”.

Trước các ý kiến này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giải trình: “Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG là một thể thống nhất, bao gồm BGQG trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Khu vực biên giới có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phân tích thêm, BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường BGQG trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu. Thực tế cho thấy, giữa BĐBP và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Chương (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Khu vực BGQG có những quy định riêng, đặc thù riêng khác với an ninh nội địa. Do vậy, trật tự, an ninh biên giới do lực lượng BĐBP giữ vai trò chủ trì là phù hợp”.

Dẫn chứng thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Văn Chương cho biết, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, việc phối hợp giữa lực lượng Công an và BĐBP trên địa bàn thành phố ổn định và đã thành nền nếp. “Nếu có nhiệm vụ nào cần phối hợp với lực lượng Công an thì chắc chắn Bộ Quốc phòng cùng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp sao cho việc thực thi pháp luật của hai lực lượng này không chồng chéo” - Ông Chương chia sẻ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) băn khoăn: Điều 35, Luật Quốc phòng không có quy định giao Bộ Quốc phòng chủ trì việc bảo đảm an ninh, trật tự biên giới. Với quy định, giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới, cần đánh giá tác động của vấn đề này.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung dự thảo Luật BPVN là thống nhất với pháp luật hiện hành, kế thừa Pháp lệnh BĐBP, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động của hai lực lượng này; đồng thời, giữa hai cơ quan đang thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp ở khu vực biên giới, cửa khẩu” - Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.

Trước ý kiến này, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: “Luật Quốc phòng tại mục 2, Điều 35 quy định: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BGQG, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Trong thực tiễn các luật cũng đã quy định rất rõ, bởi vì đối với một vị trí và một nhiệm vụ thì có thể một cơ quan chủ trì và nhiều cơ quan phối hợp, có những nội dung sẽ do một cơ quan chủ trì và có những nội dung thì rất nhiều cơ quan tham gia chủ trì và tham gia phối hợp. Ở đây, quy định như khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật BPVN là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định của pháp luật”.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Quy định chức năng của BĐBP được nêu trong dự thảo Luật BPVN là xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây cũng không phải là vấn đề mới mà là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, theo dự thảo luật, BĐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự trong phạm vi khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định, hoàn toàn không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy rằng, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng “chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là có cơ sở, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuc-nang-chu-tri-cua-bdbp-duoc-khang-dinh-trong-ca-ly-luan-va-thuc-tien-post434658.html