Chúc thọ già Phan

Thoáng chốc năm Tân Sửu hết vèo, Xuân Nhâm Dần đã gõ cửa từng nhà, thời gian vùn vụt lao về phía trước. Năm 2021 còn là năm đặc biệt, đại dịch COVID-19 ở Việt Nam bùng phát đợt 4 từ cuối tháng 4, đến hết tháng 10 mới cơ bản được kiểm soát.

Cuối năm, cận Tết cổ truyền, dịch bệnh tuy đã được đẩy lùi nhưng vẫn lây lan, diễn biến phức tạp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương. Khó khăn, đau thương, mất mát, tổn thất kinh tế nặng nề; một năm bộn bề công việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế. Thời gian tưởng rất chậm mà cũng lại trôi đi thật nhanh, làm việc quên tuần quên tháng, quên ngày quên đêm.

Ngồi nhâm nhi ly cà phê bên biển Vũng Tàu, phía Bắc rét đậm, vùng biển phương Nam se se lạnh, tôi nhận được tin nhắn và email của Già Phan, ông hỏi tôi chừng nào chốt ngày ra Hà Nội dự Đại hội XI của Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp? Và ông gửi tặng tôi cùng lúc qua hộp thư điện tử hai câu chuyện cổ tích: “Con chim sẻ và ba chục hạt gai dầu” của nhà văn Nga Nicolai Nossov (1908 - 1976); “Tôi đi thám hiểm Nam Băng Dương” của nhà văn Azerbaijan Victor Goliavkin.

Thế là nửa cuối năm 2021, giữa tâm chấn của đại dịch COVID-19 ít nhất Phan Quang đã chuyển ngữ bốn chuyện cổ tích thuộc ba quốc gia, trước đó là chuyện “Con gà trống và lão quan tham” của Ion Creanga, nhà văn Moldavia (1837 - 1888); “Chúng ta cần một con mèo” của một nhà văn nữ người Litva. Ông mách nhỏ với tôi vừa viết xong ba bài báo số Tết Nhâm Dần cho các báo và tạp chí ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Già Phan nói vui là theo đơn đặt hàng của đồng nghiệp!

Nhà báo, nhà văn, dịch giả Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam sinh năm Mậu Thìn - 1928, Tết Nhâm Dần ông bước qua tuổi 94, minh mẫn và thông tuệ. Chuyển ngữ chuyện cổ tích nước ngoài sang tiếng Việt, ông ghi cuối bài: Già Phan kể, ông nói chuyện dịch vừa cổ vừa kim - tích cũ mà tính kim. Đó là những câu chuyện dành cho các em thiếu nhi và tất nhiên người lớn, các bậc cha mẹ, ông bà và các đồng nghiệp báo và văn thưởng thức nó, cảm nhận được nhiều điều thú vị.

Nhà báo, nhà văn, dịch giả Phan Quang - Nguyên Chủ tịch HNBVN.

Chuyện cổ tích Nga “Con chim sẻ và ba chục hạt gai đầu”, vẻn vẹn 1.000 từ, cốt truyện thật giản đơn, cốt lõi của nó là học làm người, kết nối tình yêu thương, thật hợp lý - hợp tình - hợp đạo vào những thời khắc cuộc sống con người đặt trước nhiều thử thách sinh tử. Chuyện kể rằng, một buổi sáng tuyết đóng băng, trắng xóa ngọn cây, mái nhà, rét căm căm, con chim sẻ từ đâu cô đơn bay tới xuất hiện bên hiên nhà bụng đói meo. Cụ già thương con chim sẻ đi tìm bạn và kiếm ăn giữa buổi sáng mai tuyết lạnh.

Tấm lòng nhân hậu, dạt dào tình yêu thương của con người - cụ già viết sách bên khung cửa sổ ngắm nhìn con chim sẻ mà lòng mình như se lại, đã đặt 30 hạt gai dầu trên chiếc thước đặt bên bậu cửa để chú chim sẻ tự tìm kiếm. Chim cảm nhận tấm lòng hồn hậu, nhân ái của cụ già yên tâm sà xuống nhặt hạt gai dầu đánh chén. Vào thời khắc này đã diễn ra cuộc đối thoại thân tình, bên ngoài là tuyết lạnh, trong nhà là ngọn đèn bật sáng và sự ấm áp, an nhiên. Đoạn cuối cuộc đối thoại giữa chim sẻ và cụ già nhân từ như sau:

- Bác muốn hằng ngày cháu đến đây thăm bác. Cháu cứ vui chơi thỏa thích. Cháu làm việc của cháu trong khi bác làm việc của bác. Cháu đồng ý nhận lời?

- Vâng thưa bác, nhưng làm việc có nghĩa là gì?

- Cháu không để ý đấy sao? Tất cả mọi người trên đời này ai ai cũng phải làm việc. Không làm việc lấy gì để sống? Bất kỳ ai cũng phải làm một việc gì đó. Rồi mỗi người một việc, mọi người giúp đỡ lẫn nhau.

- Về phần bác, bác làm gì để giúp những người khác?

- Bác viết một cuốn sách. Bác muốn mọi người sau khi đọc sách sẽ đặt lên bậu cửa sổ nhà mình ba chục hạt gai dầu…

Đoạn đối thoại giữa chim sẻ và ông cụ thật ý nghĩa, sống động tính giáo dục và nhân văn chỉ có được từ trái tim yêu thương biết làm người, của con người. Thông điệp của câu chuyện cổ tích - tích cũ mà tính kim như Già Phan cảm nhận khi viết thư cho tôi là dù trẻ hay già đều phải chăm chỉ làm việc, viết sách và đọc sách, mọi người yêu lao động để có cái mà sống và để có tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Các câu chuyện cổ tích phần nhiều là dành cho thiếu nhi mà Già Phan kể rất sống động, mang tính giáo dục, nhẹ nhàng, không lên gân mà thâm thúy, sâu sắc. Ví như truyện “Con gà trống và lão quan tham” là sự chỉ trích tính tham lam, ích kỷ - cuộc sống sẽ không bao giờ gặt hái sự may mắn, thay vào đó là bị trừng phạt. “Tôi đi thám hiểm Nam Băng Dương” gửi đến bạn trẻ tinh thần dũng cảm, rèn luyện bản lĩnh của con người biết chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. “Chúng ta cần một con mèo” chủ đề mang tính hiện đại bảo vệ môi trường, sinh thái.

***

Chín tư tuổi đời, bảy tư tuổi nghề, nhà báo, nhà văn Phan Quang là tấm gương tiêu biểu dưới mọi góc nhìn. Mùa Xuân Nhâm Dần, Già Phan như bút danh ông đặt khi chuyển ngữ chuyện cổ tích cho các cháu thiếu nhi thật gần gũi và thân thương, kính trọng. Phan Quang viết báo trọn đời từ tuổi đôi mươi. Truyện ngắn đầu tiên của ông “Bếp lửa hồng” in trong số báo Tết Cứu Quốc Liên khu IV vào năm 1948, cũng là lúc ông 20 tuổi. Ngần ấy năm, các tác phẩm báo và văn đan xen nhau nối dài, chồng lên thành một gia sản trên cả sự đồ sộ - cảm nhận của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hơn 50 bộ sách dày dạn, đủ thể loại và nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được chuyển ngữ mang tính kinh điển mà Phan Quang để lại cho đời, cho người, cho sự nghiệp báo chí và văn chương, có mấy ai sánh kịp?

Bách niên giai lão Già Phan vẫn viết đều, dịch thuật mỗi ngày, mỗi đêm bên ngọn đèn bàn tỏa sáng, một tấm gương sáng về lòng yêu nghề, trách nhiệm xã hội ắp đầy. Dịch sách và viết sách cho các cháu nhỏ là niềm vui. Ngôi trường nội trú kiên cố và đẹp do ông bỏ lương hưu cùng con cháu trong nhà xây dựng ở huyện vùng cao Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang hơn ba năm trước; ngôi trường khang trang do ông kết nối với một nhà giáo Nhật Bản cũng là tiền tiết kiệm từ lương hưu, được dựng lên trên trảng cát bỏng bên sông Nhùng, tỉnh Quảng Trị - nơi ông sinh thành tự nó nói lên tấm lòng cao cả, tình yêu bao la của Già Phan dành cho thế hệ vàng - những chủ nhân trong tương lai của đất nước.

Cuộc sống bách niên giai lão đạm bạc, nghĩa tình, luôn mở rộng tình yêu thương, chính khách, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà văn, dịch giả - cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Già Phan xứng đáng với sự ngả mũ kính chào, trân trọng của bao người.

Tết Nhâm Dần - bài viết này như một lẵng hoa tươi thắm kính mừng tuổi đại thọ của một nhà báo tiêu biểu, một nhà văn vạm vỡ Phan Quang.

Xuân Nhâm Dần - 2022

Phạm Quốc Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuc-tho-gia-phan-post178980.html