Ý chí của một 'liệt sĩ sống'
'Trong một trận chống càn trên địa bàn tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An), anh Đinh Công Truật (thôn Thượng Đồng, xã Văn Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) bị thương nặng ở sọ não khiến bị liệt nửa người.
Học theo lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", anh Truật đã vượt mọi nỗi đau về thể xác để luyện rèn và vượt lên số phận; là một người anh hùng về ý chí, nghị lực vượt khó trong lòng chúng tôi-những đồng đội quê hương Ninh Bình, cùng nhập ngũ và hành quân vào chiến đấu trên mặt trận Kiến Tường”, cựu chiến binh (CCB) Bùi Duy Hiền, Ban liên lạc CCB Tiểu đoàn 617, Sư đoàn 338 (nay là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 338, Quân khu 1) chia sẻ.
Sống mãi kỷ niệm thời hoa lửa
Trong chuyến công tác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tôi gặp các CCB trong ban liên lạc Tiểu đoàn 617, Sư đoàn 338 và được các ông kể cho nghe câu chuyện như cổ tích về sự hồi sinh kỳ lạ bằng ý chí, tinh thần của người đồng đội Đinh Công Truật, thương binh nặng (hạng 1/4). Chính vì vậy, khi được ông Hiền cho biết ban liên lạc đến thăm ông Truật và mời tôi dự buổi gặp mặt, tôi đã vui vẻ nhận lời.
Vừa đến đầu thôn Thượng Đồng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói cười rộn ràng từ ngôi nhà nhỏ của ông Truật. Nhiều lần vết thương ở đầu tái phát khiến tính mạng bị nguy hiểm, đồng đội cũ đã đưa ông lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để cứu chữa. Bác sĩ bệnh viện cho biết, trong đầu ông còn mảnh đạn pháo nhưng không thể phẫu thuật để lấy ra. Đồng đội vẫn thường đùa gọi anh là “liệt sĩ sống”- vì với tỷ lệ thương tật 91%, theo chế độ của Nhà nước, mai kia khi về với tổ tiên, ông được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, nếu nguyên nhân do vết thương tái phát.
Thương binh Đinh Công Truật sinh năm 1950. Theo tiếng gọi non sông, tháng 12-1970, khi đang là công nhân lái máy cày, ông cùng hàng trăm thanh niên của tỉnh Ninh Bình viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ cùng một ngày và được biên chế vào Tiểu đoàn 617, Sư đoàn 320 (sau chuyển về Tiểu đoàn 617, Sư đoàn 338). Sau 11 tháng huấn luyện ngoài Bắc, ông Truật cùng đồng đội trong đội hình Đoàn 2020, nhận lệnh lên đường hành quân vào Nam chiến đấu.
CCB Nguyễn Văn Cử kể: "Tôi nhớ trong thời gian huấn luyện, có lần Đại tướng Lê Trọng Tấn về thăm, động viên chúng tôi: Chúng ta đã có những sư đoàn mạnh, sư đoàn thép, giờ chúng ta cần những lưỡi dao thép sắc nhọn găm vào tim gan kẻ thù. Đơn vị các đồng chí chính là những lưỡi dao đó. Chính vì vậy, mặc dù chặng đường hành quân dưới mưa bom, lửa đạn, dốc cao, vực sâu muôn vàn gian khó, nhiều đồng đội của chúng tôi bị tử thương hoặc bị sốt rét ác tính đã phải dừng bước quân hành, hoặc gửi vào các trạm quân y dọc đường nhưng chúng tôi lúc nào cũng là “lưỡi dao thép sắc nhọn” không sờn lòng trước gian khổ. Lúc đi, Tiểu đoàn có hơn 600 cán bộ, chiến sĩ. Khi về đến Kiến Tường, chúng tôi chỉ còn 4 đại đội, mỗi đại đội khoảng 70 người".
Vừa được biên chế vào đơn vị, ông Truật cùng đồng đội dũng cảm tham gia các cuộc chiến đấu ác liệt, đối mặt với quân địch trên địa bàn đồng nước Tây Nam Bộ. Ở đây, địch liên tục bắn phá cả ngày lẫn đêm. Trên trời, máy bay B-52, trực thăng địch quần thảo; dọc bờ kênh, pháo binh và lính Mỹ-ngụy đóng đồn, bốt bắn phá; dưới lòng sông, khắp kênh, rạch, tàu chiến địch lượn lờ... Người chiến sĩ Giải phóng quân càng trong ranh giới tử-sinh thì tình đồng chí, đồng đội càng gắn bó, yêu thương, càng thêm bền chặt. CCB Trần Thi Sỹ nhớ lại: “Tháng 5-1973, tôi và anh Truật tham gia trận đánh phòng ngự của đơn vị chống trận càn của địch ở gần kênh 5000 trên địa bàn huyện Tân Thạnh (Long An). Lúc địch rút quân, tôi thấy đồng đội cáng anh Truật từ trận địa về trạm quân y cứu chữa. Hỏi ra mới biết, tổ phòng ngự của anh Truật bị trúng pháo địch, một đồng đội của anh hy sinh ngay lập tức, còn anh Truật bị thương ở sọ não do trúng mảnh pháo, nằm mê man bất tỉnh 10 phần đã chết 9. Chúng tôi mất liên lạc nhau từ ngày đấy”.
Hồi sinh bằng ý chí Bộ đội Cụ Hồ
CCB Vũ Thanh Tùng, người bạn đồng ngũ, đồng hương Nho Quan (Ninh Bình), từng sống, chiến đấu cùng ông Truật trên mặt trận Kiến Tường nhớ lại: "Sau khi hòa bình lập lại, vì bị thương, tôi được đưa về Đoàn An dưỡng 540 (Ninh Bình), tình cờ, tôi được biết anh Truật cũng đang điều trị bệnh ở đây".
Khi đó, sức khỏe ông Truật vẫn còn yếu. Ngày đầu điều trị tại Đoàn an dưỡng, ông Truật nằm liệt một chỗ gần 1 năm trời bởi di chứng của vết thương ở đầu ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên hai chân, hai tay ông cử động rất khó khăn, nói năng không rõ. Qua câu chuyện của các y, bác sĩ và nhân viên tại Đoàn an dưỡng, CCB Vũ Thanh Tùng rất ngạc nhiên và thán phục khi được biết, tuy là một bệnh nhân đặc biệt nặng nhưng ông Truật lại là điểm sáng về ý chí, nghị lực vượt thương tật.
Những lần đến thăm bạn, ông Tùng đều không kìm được nước mắt vì thương cảm và cảm phục khi thấy đồng đội cắn răng chịu đau để tập ngồi, tập đứng và tự làm các hoạt động vệ sinh cá nhân. Không những thế, ông Truật còn đọc sách, viết chữ để luyện đầu óc và các ngón tay. “Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi phải cố gắng tập luyện để giảm bớt gánh nặng cho các y, bác sĩ ở đây; cũng là để giúp chính bản thân có sức khỏe, mai này còn lao động, sinh sống”, ông Truật tâm sự.
Để tăng cường rèn luyện, hằng ngày, ông Truật nhờ ông Tùng giúp đỡ tập leo núi Bái Đính. “Nhiều lúc, tôi ứa nước mắt khi thấy anh gồng mình, toát mồ hôi, nén đau và mệt để dò dẫm leo từng đoạn. Anh đã tiếp cho tôi động lực vượt lên thương tật để tiếp tục học tập, cống hiến và trở thành giảng viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội”, CCB Vũ Thanh Tùng hồi tưởng.
Từ Đoàn An dưỡng 540, ông Truật được chuyển tiếp về Trại điều dưỡng thương binh nặng Gia Tường (Ninh Bình). Tuy thuộc diện có người phục vụ nhưng ông luôn cố gắng tiếp tục luyện tập. Ý chí của ông đã tạo nên kỳ tích đánh bại được thương tật để “tàn nhưng không phế”. Ông đã đi lại, giao tiếp và viết lách được. Sau đó, ông Truật còn tay cuốc, tay xẻng khai hóa những mảnh đất hoang quanh trại điều dưỡng thành những vườn tăng gia lạc, khoai và ruộng lúa tốt tươi. Cũng nhờ ý chí này, ở trại điều dưỡng, ông có hai niềm vui lớn: Thứ nhất là được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ của chi bộ thương binh ở trại điều dưỡng; thứ hai là bà Trần Thị Tấm, nhân viên chăm sóc của Trại điều dưỡng từ cảm phục ý chí, nghị lực đã nảy sinh tình cảm và đã kết tóc, xe duyên với ông Truật vào năm 1978. Rồi lần lượt, ông bà sinh hạ được hai người con trai trong niềm hạnh phúc lớn lao. Nhìn chồng với ánh mắt trìu mến, bà Tấm nói: Trước khi cưới anh, nhiều người cũng khuyên tôi dừng lại vì lo tôi vất vả. Nhưng tôi luôn tin anh Truật là điểm tựa sức mạnh tinh thần để gia đình chúng tôi vượt mọi khó khăn của cuộc sống.
Quả đúng như niềm tin của bà Tấm, khi cả gia đình về miền quê Thượng Đồng sinh sống, đôi bàn tay người thương binh nặng Đinh Công Truật đã cùng vợ đào ao nuôi cá; đóng và đốt gạch, rồi xây nhà; làm ruộng, làm vườn. Không chỉ có vậy, ông Truật còn tập đi xe đạp rồi đi bán kem, mua hàng hóa ở các địa phương khác về quê kinh doanh, buôn bán nhỏ. Cuộc sống mưu sinh vất vả là vậy nhưng ông vẫn luôn mở rộng lòng hỗ trợ đồng đội và bà con chòm xóm cả vật chất và tinh thần, ví như: Khi đi bán kem, cứ thấy cháu nhỏ nào nói là con của đồng đội, ông đều tặng kem miễn phí. Chính vì vậy, kinh tế gia đình chỉ ở mức đủ ăn, nhưng ông Truật luôn được bà con chòm xóm kính phục bởi chưa một lần vợ chồng ông đòi hỏi chế độ; gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc; các con của ông bà được nuôi dạy, học hành đàng hoàng, hiện đã lập gia đình và có việc làm ổn định... CCB Vũ Thanh Tùng vui cười nói: Tôi đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian đến thăm anh Truật. Nhìn cơ ngơi của anh chị, tôi thấy nhiều người mạnh khỏe, lành lặn cũng khó làm được. Tôi vừa mừng vừa lo: Mừng vì anh vẫn còn đầy nghị lực. Lo vì sức khỏe của anh chị ngày một yếu đi (cách đây ít lâu, bà Tấm bị tai biến nên giờ ông Truật phải thêm nhiệm vụ chăm sóc vợ-PV). Tôi thường nói với các con, cháu của anh: “Các cháu không phải học ai xa, mà học ngay ở tấm gương là bố, là ông của các cháu. Với các chú, bố các cháu là một anh hùng về ý chí và nghị lực vượt khó”.