Gần 90% là phụ nữ và trẻ em đi bộ qua biên giới để chạy trốn bạo lực tàn bạo nhấn chìm quê hương Darfur của họ ngay sau khi xung đột nổ ra ở Sudan vào ngày 15/4.
Kaltuma, một phụ nữ nhỏ bé với những nếp nhăn sâu và đôi mắt đục, đã phải dồn hết sức lực để dựng túp lều của mình. Bà ở đây với 2 cháu gái. Mỗi sáng, bà phải gõ cửa từng nhà xin ăn.
Nước là nguồn tài nguyên quý giá nhất ở khu vực khô cằn này và sự gia tăng dân số nhanh chóng kể từ khi người tị nạn đến đã gây áp lực rất lớn lên các dịch vụ thiết yếu.
Ngồi trên bãi cát, một cô gái trẻ đang đan những cọng cỏ thành mái nhà. Túp lều nhỏ bé mà cô đang làm được vây quanh bởi hàng chục nghìn túp lều giống như vậy.
Khu định cư tự phát này ở Adré, một thị trấn biên giới Chad với 12.000 cư dân. Nó đã trở thành nơi ở tạm thời cho hơn 100.000 người tị nạn Sudan.
Người dân Adré đã chào đón những người tị nạn, nhưng Chad là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và nguồn tài nguyên lại khan hiếm.
“Số người đến đây tay trắng nhiều hơn gấp 10 lần dân số địa phương” - Chủ tịch Mirjana Spoljaric của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế nói.
Để tồn tại, những phụ nữ tị nạn Sudan thường làm việc tại các công trường xây dựng hoặc làm những công việc khác mà theo truyền thống chỉ dành cho nam giới.
Someya, một người tị nạn khác, đã mang thai khi cô trốn khỏi ngôi làng của mình ở Tây Darfur cùng các con. “Họ đã giết cha tôi trong nhà thờ Hồi giáo sau buổi cầu nguyện buổi tối”-cô kể lại.
Sau khi đi bộ hàng giờ, Someya và bọn trẻ đến Adré. Cô ngã gục xuống đất và ốm vài ngày vì sợ hãi và kiệt sức. Một tháng sau, cô sinh 1 bé gái dưới tấm bạt và phải tìm việc để nuôi 4 con.
Khi bạo lực nổ ra ở Darfur, Zuhal và mẹ cô, Nafisa, bỏ trốn khỏi nhà vào ban đêm cùng một đám đông người khác. Họ bị chia cắt trên đường đi và tìm thấy nhau sau khi họ đến trại.
Zuhal có một tờ giấy ghi số điện thoại của chú cô, người mà cô hy vọng sẽ sống ở Gedaref, Đông Sudan, nhưng các cuộc gọi của cô đều không được thực hiện.
Hải Yến