Chùm ảnh về những thứ con người mất đi vì cháy rừng: Cái giá mỗi người phải trả khi cả thế giới nóng lên
Nhiếp ảnh gia đã đi qua một loạt các điểm cháy rừng lớn ở Hy Lạp, Canada và Mỹ để cho ra đời những bức ảnh ấn tượng, có sức lay động lớn.
Một chiếc máy ảnh, một chiếc đèn, một chiếc xe ba bánh của em bé… Những thứ tưởng chừng nhỏ bé nhưng đều có thể nói lên tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu, của sự nóng lên toàn cầu mà con người đã và đang phải hứng chịu. Dự án mới nhất của nhiếp ảnh gia người Nam Phi Gideon Mendel đã góp phần nêu bật tác động của khủng hoảng khí hậu đến đời sống hàng ngày.
Từ những năm 1980, nhiếp ảnh gia người Nam Phi dành trọn thời gian để đi và ghi lại những hình ảnh về các vấn đề xã hội trên toàn cầu – từ nạn phân biệt chủng tộc cho đến cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.
Những bức ảnh của ông luôn tập trung vào cuộc sống và tiếng nói của những người bị ảnh hưởng.
15 năm trước, Gideon Mendel bắt đầu chuyển mối quan tâm đến vấn đề nóng lên toàn cầu. Giờ đây, Gideon đi khắp thế giới, lặn lội đến cả những nơi lũ lụt và cháy rừng để ghi lại những bức ảnh khiến người ta không thể không bận lòng.
Sau vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Australia năm 2019 và 2020, Gideon bắt đầu nảy ra ý tưởng chụp những đồ vật còn sót lại sau các trận hỏa hoạn. Ông đi qua một loạt các điểm cháy rừng lớn ở Hy Lạp, Canada và Mỹ để cho ra đời những bức ảnh ấn tượng, có sức lay động lớn.
Gideon không chụp ảnh từ hiện trường mà thu thập các đồ vật còn sót lại từ những vụ cháy. Mỗi bức ảnh được chụp trên nền trắng hoàn toàn trong một studio, tạo cảm giác “lơ lửng trong không gian”, theo giải thích của ông.
Gideon sắp xếp các đồ vật một cách tỉ mỉ và làm việc để đảm bảo ánh sáng nhất quán. “Tôi muốn chụp chúng như thể chúng là những đồ tạo tác khảo cổ quý giá”, ông nói. Các dấu vết và biến dạng do ngọn lửa gây ra được dùng như bằng chứng: đây là điều xảy ra khi nhiệt độ tăng quá cao.
Mỗi vật mà Gideon chụp đều chứa đựng sau đó câu chuyện mà nếu không tìm hiểu, có lẽ người ta sẽ không thấu hiểu được.
Khi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, những đám cháy xảy ra thường xuyên và có sức tàn phá lớn đã dần trở thành “điều bình thường” với nhiều người. Đáng buồn thay, đây là tương lai của chúng ta, nhưng thế hệ con cháu chúng ta không đáng phải gánh chịu.
Chính cảm giác hy vọng cấp bách này đã thúc đẩy Gideon tiếp tục chụp ảnh. “Thường có một câu hỏi về công việc của tôi, rằng: 'Làm thế nào bạn có thể chụp những bức ảnh đẹp, thẩm mỹ về những thứ khó như vậy?'. Tôi nghĩ rằng nó rất dễ hiểu. Đối với tôi, đó là cách khiến mọi người chú ý”, ông nói. Những bức ảnh của ông có thể “thúc đẩy mọi người hành động".
“Chúng tôi chuyển đến Evia từ Athens để thành lập công ty, khu nghỉ dưỡng Forest Village”, ông Kostas Marengelis cho biết vào năm 2021. “Mọi người đến khu nghỉ dưỡng của chúng tôi để đi bộ, leo núi và thư giãn. Chúng tôi hy vọng các tòa nhà và cơ sở vật chất của chúng tôi sẽ được xây dựng lại, nhưng khu rừng và cảnh quan thiên nhiên sẽ không còn như trước. Nó sẽ mất hơn 20 năm để mọc lại và thậm chí sau đó nó sẽ không ở tình trạng ban đầu. Và nếu không có rừng, tôi không biết khu nghỉ dưỡng sẽ hoạt động như thế nào. Tôi nghĩ những người trẻ tuổi sẽ buộc phải rời bỏ làng quê của họ và chuyển đến các thành phố chỉ để tồn tại”.
Ramona Wilson, người đã mất nhà trong trận hỏa hoạn ở British Columbia (Mỹ) năm 2021, đã đưa cho Gideon một số mảnh nhôm nấu chảy. Đó là tất cả những gì còn lại của bộ sưu tập ô tô cũ và xe trượt tuyết vô cùng quý giá mà người chồng quá cố của bà để lại. Bà nói: “Tôi giận bản thân vì đã không giữ được những chiếc xe trong vụ hỏa hoạn".
“Đó là một vài năm khó khăn: người chồng thân yêu của tôi đã qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2019, sau đó là đại dịch và rồi những trận cháy rừng đã tàn phá tất cả”, bà Ramona Wilson nói. “Bộ sưu tập xe trượt tuyết và ô tô cũ của chồng tôi đã bị phá hủy – hơn 30 chiếc. Tôi đã rất buồn. Gideon đã lắng nghe câu chuyện của tôi và sau đó đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật từ những mảnh vụn. Giờ đây, cuối cùng cũng có một số tin tốt lành, rằng tôi có thể sẽ được ở trong ngôi nhà mới trước lễ Giáng sinh”.
Ông Marco Frith cho biết vào tháng 1 năm 2020: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều đám cháy trong mùa đông ở đây, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến một vụ cháy rừng và mùa hè nào như thế này. Nhà của tôi đã bị phá hủy: đó là một cú sốc vì tôi không nghĩ rằng ngọn lửa có thể phá hủy ngôi nhà có tường đá”.
Bà Kyriaki Karava, người đứng đầu ngôi làng, cho biết: “Không nơi nào trong làng bị phá hủy tồi tệ hơn nhà thờ của chúng tôi. Tôi đau đớn mỗi ngày khi chứng kiến nó bị phá hủy hoàn toàn. Tôi tặng nhiếp ảnh gia Gideon một ngọn đèn canh thức thánh bằng kim loại có hình dạng gần giống như một nhà nguyện. Lúc đầu, tôi không muốn đưa nó cho ông ấy. Sau đó, tôi nghĩ rằng ông ấy đã đi rất xa để cho cả thế giới thấy hậu quả của trận cháy rừng trên đảo của chúng tôi. Tôi tặng ông chiếc đèn với tất cả tình yêu và tất cả những hy vọng, ước nguyện mà những người dân làng của tôi đã từng cầu nguyện”.
Nguồn: The Guardian