Chùm Covid-19 ở TP.HCM và bài học cách ly chống dịch từ sân bay

Chúng ta từng tự tin không thể xuất hiện ca bệnh cộng đồng từ sân bay do người nhập cảnh được cách ly hoàn toàn. Song thực tế, Việt Nam đã có ca mắc từ lỗ hổng cách ly.

Ngày 5/12, TP.HCM bước sang ngày thứ 4 không ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng kể từ thời điểm phát hiện nam tiếp viên hàng không dương tính với SARS-CoV-2.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết đây là điều đáng mừng, song chưa thể yên tâm. Đồng thời, ca bệnh này là bài học cảnh báo cho người dân. Dịch có thể xâm nhập bằng mọi con đường nếu chúng ta chủ quan.

Bùng dịch ở nơi tự tin nhất

Ca bệnh 1342 (28 tuổi, tiếp viên hàng không) được ghi nhận tại TP.HCM khiến nhiều người hoang mang. Từ việc không tuân thủ quy định cách ly của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, thành phố phát hiện thêm 3 người khác bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

Từ những ca bệnh này, hơn 2.000 người phải lấy mẫu xét nghiệm, hàng trăm hộ dân sống trong diện phong tỏa, hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải tạm nghỉ học, các chuyến bay tạm ngừng…

 Nhiều người cho rằng các trường hợp nhập cảnh khó lây nhiễm vì được cách ly tập trung ngay. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhiều người cho rằng các trường hợp nhập cảnh khó lây nhiễm vì được cách ly tập trung ngay. Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá điều này xuất phát từ lỗ hổng trong việc quản lý người thực hiện cách ly, đặc biệt là ý thức tự giác của người đang trong thời gian cách ly. Bên cạnh đó, lỗ hổng này trở thành bài học kinh nghiệm quý giá trong việc chống dịch từ nhiều luồng, nhất là sân bay - nơi chúng ta từng rất tự tin.

Với bệnh nhân 1342, may mắn anh được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày cuối cùng của chuỗi cách ly tại nhà. Từ đó, ngành y tế nhanh chóng truy lùng người tiếp xúc gần. Nếu người này mắc bệnh và ngày xét nghiệm thứ 14 cho kết quả âm tính, nghĩa là tự khỏi bệnh, chúng ta không thể tìm ra F0. Khi các bệnh viện phát hiện người dương tính cũng là lúc cộng đồng có nhiều người mang virus. Lỗ hổng lúc này đã quá lớn.

"Trước đây, chúng ta tự hào là không thể có đường xâm nhập từ sân bay vì Chính phủ ra quyết định cách ly tuyệt đối những trường hợp nhập cảnh từ chuyến bay bảo hộ công dân. Những người nước ngoài, chuyên gia cũng được cách ly tập trung tuyệt đối. Do đó, nhiều người cho rằng dịch chỉ có thể bắt nguồn từ người nhập cảnh trái phép mà không chú tâm nhiều đến sân bay. Nếu không nhanh chóng khóa chặt nguồn nhiễm, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm những ca bệnh tiếp theo từ sự chủ quan", bác sĩ Khanh nhận định.

Trong cuộc trò chuyện với Zing trước đó, bác sĩ Khanh nhấn mạnh việc chỉnh sửa ngay các lỗ hổng trong cách ly y tế. Song, ông nhận định sai sót không nằm ở quy trình và phương pháp cách ly mà vấn đề ở người thực hiện. Chúng ta cần điều chỉnh thái độ chấp hành của người cách ly chứ không phải xóa bỏ quy trình.

Dù vậy, quy trình cách ly y tế hiện tại cần được xem xét ở mức độ cao hơn, nghiêm ngặt tuyệt đối chứ không chỉ là hình thức đối phó với cơ quan quản lý.

Bệnh viện đang có nhiều nguy cơ

Theo phân tích của bác sĩ Khanh, thông thường, nguồn bệnh trong cộng đồng khi chưa được phát hiện thường đến các khu vực công cộng, tập trung đông đúc như khách sạn, chợ, siêu thị... Do đó, trước khi được phát hiện trong cơ sở y tế, nguồn bệnh có thời gian di chuyển nhiều nơi trong cộng đồng.

 Phòng cách ly điều trị cho bệnh nhân 1349 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Chí Hùng.

Phòng cách ly điều trị cho bệnh nhân 1349 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Chí Hùng.

"Khi có triệu chứng bệnh, họ có thể đến phòng khám, bệnh viện. Lúc này, nếu khâu kiểm soát người ra vào, sàng lọc y tế không tốt, các bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trường hợp không may có ca nhiễm mới, khả năng cao sẽ đến các bệnh viện", bác sĩ Khanh nói.

Chuyên gia cho biết thời gian này, các bệnh viện nên rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở. Đặc biệt, nhân viên y tế cần được huấn luyện nghiêm ngặt ở khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ trường hợp nghi ngờ.

"Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ mắc bệnh Covid-19 lọt vào bên trong bệnh viện. Các nguy cơ cao nhất là khoa bệnh nặng như hồi sức tích cực, điều trị người cao tuổi, thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp... Tất cả người ra vào bệnh viện, ngoài cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà, trường hợp liên hệ công tác, nhân viên căng-tin, công nhân xây dựng..., phải khai báo y tế và mang khẩu trang. Ai không mang khẩu trang, lập tức mời ra ngoài không đón tiếp", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Việc ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đang khiến người dân lo lắng. Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Trước mắt, dù ghi nhận thêm bao nhiêu ca Covid-19 cộng đồng, chỉ cần tuân thủ an toàn từ đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên…, chúng ta có thể được bảo vệ".

Khi phát hiện ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, vấn đề chúng ta cần làm tương tự các biện pháp đã làm từ trước đến nay. Các quy trình phòng, chống dịch cần khởi động lại. Nếu Việt Nam khoanh vùng, dập dịch tốt, dịch không thể bùng lên và trở thành làn sóng mới.

Cách ly hơn 80.000 người liên quan dịch Covid-19 Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 83.644 trường hợp.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chum-covid-19-o-tphcm-va-bai-hoc-cach-ly-chong-dich-tu-san-bay-post1160014.html