Chùm thơ Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Đức Sơn là một tác giả thơ Việt Nam được yêu thích bởi sự tôn vinh và ngợi ca vẻ đẹp đẽ của quê hương Việt Nam trong các tác phẩm của mình.
NGUYỄN ĐỨC SƠN
Phả nắng Việt Bắc
Uốn thẳm rừng sâu
Trào tuôn thác ghềnh
Như đôi mắt sáng bản làng
sương trắng miền tim tím hoa mua
Cái nhớ bờ lau
Ngọt ngào đôi bờ triền phơi hun hút
Nhịp sóng đưa chuyến đò quen
Ngụp lội suối khe gian khó
Mở trào đất mỏ
Nhân dân trữ hũ gạo nuôi quân
Sắn ngô dốc sàn, ống bương sớm tối
Mẹ đùm bới, chất quẫy tấu đợi con về
Trường kỳ chín năm kháng chiến
Phả nắng, đổ mưa
con đường hành quân heo hút
Cời lửa đỏ bếp đun nấu nồi cơm thơm
khói lam quyện thâm u rừng mở sáng
Ánh nước nối ngày đêm gầm reo
Bộ đội đánh giặc báo công về
Bừng ấm lòng hậu cứ
Rừng tiếp tế
Chảy xiết nguồn, đầy đặn tình mẹ chảy nguồn
Quân reo, áo trấn thủ mẹ trao
Dành chiếc khăn lót ấm cho con
Gói cơm độn ngô, độn sắn
Con đi chiến trường…
Đèo heo đá cheo leo
Con vượt đỉnh ngàn, nhớ về dáng mẹ
Mỏm đá chờ, đun reo bếp lửa vời vợi đại ngàn
Nhớ ngày về bản nhỏ
áo rách mẹ vá
Nhà sàn đơn sơ, chuồng trâu, nghé ọ...
Mai này, đường chỉ thêu ngời chói sắc áo chàm
Nhớ người mẹ Việt Bắc- Chiêm Hóa ( * )
Dòng suối xanh trong thương bóng mẹ hiền.
___________
( * ) Chiêm Hóa, huyện miền núi, thuộc tỉnh Tuyên Quang, còn gọi Thủ Đô Gió Ngàn thời kỳ Kháng chiến chống Thực Dân Pháp.
Nguyễn Đức Sơn
Nhớ chái bếp
Trạm thương binh về đây
Cánh rừng rậm che phủ
Tiếng bom gầm xa bên kia trọng điểm
Lọt qua đêm pháo sáng
Lọt ác liệt, về nơi con né gọn tán rừng
Có mái tranh choãi chái bếp của mẹ
Đêm, những đoàn xe lao về phía trước…
Chái bếp thâm u
Lặng yên chảy trong veo dài con suối uốn qua
Dãi dầu mưa nắng, che mắt lá rừng
Mảnh vườn đơn sơ hơi ấm tình mẹ
Kháng chiến trường kỳ
Lau sậy phơi trắng dốc triền
Bất chấp muỗi, vắt, dội mưa nguồn, sốt rét
Có mẹ luồn tán rừng bao la
Vòng tay để đón các con về
Ấm nóng đun nấu
Cùng đồng đội đỡ đần thương binh
Ngày đêm, mẹ giữ than củi
Sức bền tươi ngọn lửa dựng nên
Quả cảm dưới bàn tay rắn rỏi
Dốc sức bừng cháy
Người mẹ ròng rã chẳng quản
dẫu còn thiếu bữa sắn, khoai
Tình mẹ khôn nguôi
Ăm ắp là đây niềm hy vọng
Trái tim mẹ vẫy đập vượt con đường gian nan
Ao ước ngày hòa bình
Khuya sớm mẹ mong
Chân cứng, đá mềm
Trường Sơn- Đất Nước sừng sững
Lời thề xẻ dọc…
Nhớ da diết miền A Lưới ( * )
Ngọn lửa chái bếp mẹ dành cho con.
____________________
( * ) A Lưới huyện miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đây dọc dãy Trường Sơn trong thời kỳ Kháng chiến Chống Mỹ Cứu nước là căn cứ cách mạng.
Con nước đầm phá
Năm tháng đắp bồi
sương phủ nắng lên
Mặn lợ bọt bèo dạt trôi
Nổi nênh mênh mang
Rộng dài mái chèo vượt sóng
Gồi gội hình hài chao chao nón nghiêng
Sức rộn quảy tươi, vươn ngày đi tới
Đêm sâu ngụp lội, người mẹ Phá Tam Giang (*)
Chẳng quản nhọc nhằn
Núi vờn theo gió, trăng vàng buông câu
Cúi gập lao xao, áo thô giăng lưới
Thuyền bện bóng chống chèo đầy cuộc
Mẹ là con nước của triệu con sóng
Con nước đánh cược rủi may
Con nước vạm vỡ ăm ắp
Con nước trông về cuộc đời dâng tràn
Trông xa, thấu gần buổi chợ nụ cười
Con nước quyến rũ đắp bồi xóm làng
Con nước xôn xao dạt dào chạm vỗ
Từng bầy, từng vỉa tôm, cá sinh sôi
Con nước đẩy đưa lấp lánh nò sáo
Cho nhau, thương nhau bếp lửa xứ sở
Nhớ về ngước đỉnh mây ngàn
Đầm phá
Lồng lộng tình mẹ thắm biển cả dấu yêu.
( * ) Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dài rộng bóng sông
Phơi triền bờ lau
Theo sông vơi đầy tuôn thao thiết đỉnh ngàn
Khôn nguôi bến bờ năm tháng
Xuôi ngược sông dâng bịn rịn
Áo dài em mang vô ngần trong trẻo
Sông, áo, thuyền trao ăm ắp
Bên trời lộng gió…
Sông chở đời người
Thành quách soi bóng
Làn nước soi bóng cánh rừng và bãi bờ
Quầng mây lang thang cánh cò vô định
Vì sông, vì em bận bịu nhịp chèo
Kịp chuyến đẩy đưa cho vượt vươn con nước
Dòng trôi đến thấu dòng đời cuồn cuộn
Bãng lãng rều rong vuốt xanh ký ức
Tri kỷ ngọt ngào chao gợn mặt sóng
Sông ơi !
Về đây nghe hát vang lừng Nhạc Trịnh
Với hiền hòa ngàn năm cất dấu vô vàn
Đáy sông lấp lánh thiền đôi mắt thuyền
Ngước ngời dáng vẻ
Thiên nhiên ban tặng
Khôn nguôi dìu dặt câu dân ca
Lồng lộng cánh chim
Mây trời xanh thắm
Dài rộng bóng sông
Nhớ người mẹ quê hương
Hơi thở Hương Giang- miền Trung lời thề
Chốn này đắp bồi hùng anh sông ơi !
Con sông xanh, vàng, mơ, tím lượn mênh mang.
Tiếng hát từ Hẻm Tu Sản
Một dòng sông xanh màu ngọc bích
Một dòng đổ về cong vực non cao
Chảy lòng sông hướng về mặt trời mọc
Thấp thoáng sông reo, núi non hùng vĩ
Tiếng hát em vọng vang từ Hẻm Tu Sản ( * )
Cất lên sông núi biên thùy
Âm thanh lời thề sắt son Tổ Quốc
Địa đầu Cột Cờ Lũng Cú tin yêu
Bừng nắng ngày thiêng liêng
Có anh canh giữ
Em theo chuyến thuyền, bến nước bình yên
Dòng chảy mãnh liệt
Con tim em nồng nàn ước mơ
Con đường Hạnh Phúc
Có dải rừng sa mộc đi qua năm tháng đợi chờ
Vòi vọi cánh chim trời nghiêng dựng nghìn đỉnh
Mặc sức đèo cao
Dải lụa mặt sông trải yếm hiền hòa
Tiếng hát như con thuyền mạn vỗ
Mưa nguồn, nắng nung dội sá gì !
Tiếng hát nhớ về kỷ niệm
Nghìn con suối rót như làn dân ca
Tiếng hát gọi yêu dấu
Thung triền ngô mươn mướt
Chén nước chè Shan đậm thấm vị môi
Hoa đào thắm, đá thức hóa thần tiên
Điệu vút cao, sắc hoa em gời gợi
Nơi dãi dầu bất chấp gian khó
Bâng khuâng trìu vọng xúc cảm
Giữ yên lành mái trường em thơ
Con đường về bản nhỏ
Đắp bồi là đây, Nho Quế màu ngọc bích
Tình yêu xứ sở, nơi có anh đứng gác
Tiếng hát gửi về anh Chiến sĩ Biên Phòng.
_________________
( * ) Sông Nho Quế chảy qua Hẻm Tu Sản được xem là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao vách đá lên tới 700 - 800m, chiều dài 1,7km, sâu gần 1 cây số, là danh thắng kỳ vĩ độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Nguyễn Đức Sơn
Dòng thức bức tranh phố
Đi xa, về gần tiếng chim hoài buồn thương tháp mộ
Tiếng chuông chùa lảnh lót trong trong
Phố tỏa thế giới đam mê
Màu sắc dốc lượn không gian xanh con đường hít thở
Chập chùng sương thả bày cảm xúc bên cánh rừng lâng lâng
Những khóm hoa vạn thọ, tường vi hồng, mai vàng nở rực
Chào phố mở mắt treo khung tranh với đồi Vọng Cảnh ( * )
Vị đắng ca fe quyện, bởi phố đường nét lạ
Bí ẩn cây cọ hòa thấm mồ hôi để thăng hoa…
Tinh khôi ôm vào riêng, xóa đi và bồi thêm kí ức êm đềm
Con mắt ngày mộng mị
Của phiên bản ầm ào tiếng sóng biển
Hơi thở đồng nội hoa trái
Phiên bản khảm vào lồng ngực hoài cảm vẽ dựng tháp uy nghi, cung điện, đền đài
Sắc biếc lợp đường thanh lưu ly, hoàng lưu ly ( * * ) bóng rêu chuốt chầm chậm
Ào ào đắm say trìu tượng và hiện hữu bổng bay
Tia nắng đầu tiên của ngày hắt bôi bảng màu
Bàn tay miệt mài gửi con Phố Tranh lãng mạn
Gương mặt danh họa ròng vỉa phố
có mạch huyết của trái tim dâng trọn
Gương mặt ấy hữu ích làm nên lạ lùng dòng đời
Nép vào bốn mùa gió nắng mưa quàng sóng rừng thông vi vu
Phong vị say đắm thiết tha
Dòng thức bức tranh phố.
______________________________
( * ) Đồi Vọng Cảnh- Phong cảnh đẹp của Cố Đô Huế.
( * * ) Thanh lưu ly, hoàng lưu ly là loại ngói cổ được lợp trên mái di tích đền đài, cung điện tại thành phố Huế, thuộc quần thể Di sản Văn Hóa Thế giới.
Nước nhiều chất vị, khi ở sông, lúc ở đầm phá, đầy khác biệt để tạo nên cảnh sắc và đời sống kỳ vĩ “Mặn lợ bọt bèo dạt trôi/ Rộng dài mái chèo vượt sóng”. Nước có sắc vóc, có nguồn sống mãnh liệt “Con nước vạm vỡ” như một hình hài sống động, tráng kiện. Khi về thị thành, nước sông Hương trong thơ Đức Sơn hóa thành sử thi “Sông chở đời người/ Thành quách soi bóng”, thấm đẫm hơi thở thời gian, trầm tích lắng đọng nhắc nhớ người đời về những dĩ vãng đã qua. Ở tận cùng của đáy sông nước chạm vào huyền sử, chạm vào tỉnh thức “lấp lánh thiền đôi mắt thuyền”. Và nước ở dòng Nho Quế xanh trong “Dải lụa mặt sông trải yếm hiền hòa”, kịp làm nên thiên nhiên hùng vĩ khi chảy qua hẻm Tu Sản “Vòi vọi cánh chim trời nghiêng dựng nghìn đỉnh”.
Đọc những dòng thơ của Đức Sơn khiến tôi nghĩ về cái đạo của đất trời, về Lão Tử rằng: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”, nghĩa là: nước là thiện nhất trong vạn vật, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành gì cả. Chỗ thấp nước chảy xuống, bao dung với vạn vật, cung cấp sự sống cho cỏ cây, cho con người một cách vô tư, bất vụ lợi. Cái đạo bất tranh, bao dung, làm lợi cho người khác hơn là việc tư kỷ cho mình quả thật là “thượng thiện”. Và thơ cũng “thượng thiện” như nước, phiêu linh như nước để khiến một người như Nguyễn Đức Sơn say thơ, khát thơ và ăm ắp tình nghĩa cùng thơ đến vậy.
Nhà Văn Lê Vũ Trường Giang giới thiệu
Nguyễn Đức Sơn
Người đàn bà tóc ngắn chọn về với biển
Đi về đâu tìm
Biển mặn sao nói nhạt nhòa
Rộng sao nói hẹp
Bãi cát vàng trũng xuống cạn cằn!
Ngơ ngác trống, đứng ngồi trước sóng ngẩn ngơ
Rỗng gió, trông hắt phía trời xa
Đẩy khuất xa bến bờ chờ
Hút xoay rỗng bơ phờ cột gió
Nỗi xoáy có trở thành sợi neo trìu buộc biển
Cây sào chống vết tay rạn
Dẫm cồn cát in hình bay bóng
Đã đành chưa cho biết điều gì trước cát
Ước quay về im lặng
Rơi chan và đứng chìm
Xước mui con thuyền bóng câu
Sao không quay về xa xăm trắng cuộn
Nỗi mặc nhiên gió cuốn
Mặc mong trời biển xoay quanh
Néo đỉnh gào sấp mặt mặc nhiên
Trước sóng xanh sâu, xao xanh ngực biển
Gió gội mưa xối lịm
Nát sợi tóc thiếu phụ tìm khan
Tưởng đi lạc qua rậm rừng
Người đàn bà tóc ngắn chọn về với biển.
NĐS
Bài thơ "Người đàn bà tóc ngắn chọn về với biển" của Nguyễn Đức Sơn là một bài thơ mang tính chất tâm linh và tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Trong bài thơ, nhà thơ đã miêu tả hình ảnh của một người đàn bà tóc ngắn trở về với biển. Trong suốt hành trình trở về của mình, người đàn bà đã trải qua nhiều cảm xúc và tương tác với biển.
Câu thơ "Đi về đâu tìm/Biển mặn sao nói nhạt nhòa" miêu tả sự bối rối của người đàn bà khi cô không biết biển sẽ đưa cô đi đâu và liệu biển có nhạt nhòa không. Nhà thơ cũng miêu tả biển như một nơi rộng lớn nhưng cũng hẹp hòi, đầy những bãi cát vàng trống trải.
Sự tương tác của người đàn bà với biển được mô tả rõ qua những câu thơ như "Ngơ ngác trống, đứng ngồi trước sóng ngẩn ngơ/Rỗng gió, trông hắt phía trời xa" hay "Hút xoay rỗng bơ phờ cột gió". Những hình ảnh này tạo ra một cảm giác mê hoặc và kỳ lạ, đồng thời làm nổi bật sự yếu đuối của con người trước thiên nhiên.
Cuối cùng, nhà thơ cũng miêu tả sự hy vọng của người đàn bà khi cô ước muốn được quay về và im lặng trong giữa những con sóng. Câu thơ "Tưởng đi lạc qua rậm rừng" miêu tả sự khao khát của người đàn bà để thoát khỏi những sự nghi ngờ và bất an, và trở về với một nơi an lành.
Tóm lại, bài thơ "Người đàn bà tóc ngắn chọn về với biển" của Nguyễn Đức Sơn thể hiện một sự tương tác đầy cảm xúc giữa con người và thiên nhiên. Nhà thơ sử dụng những hình ảnh tuyệt vời để miêu tả sự bối rối, yếu đuối và hy vọng của con người trong mối quan hệ với tự nhiên.
Chúc Sơn giới thiệu
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chum-tho-nguyen-duc-son-a18154.html