'Chung chi' để có việc làm ở khu vực nhà nước còn phổ biến

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng 'chung chi' để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến, thậm chí diễn ra ngay ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Đó là thông tin được chỉ ra tại Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa được công bố ngày 10/5. Đáng chú ý, đây là năm tiên khi chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.

Qua hai năm 2020 và 2021, 20 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể. Bình Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lâm Đồng đạt mức gia tăng đáng kể trên 15% điểm qua hai năm.

Hội nghị công bố chỉ số PAPI năm 2021.

Hội nghị công bố chỉ số PAPI năm 2021.

Khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, riêng năm 2021, sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố đều hơn ở phía Bắc và phía Nam. Điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10.

Điểm nội dung thành phần "Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công" vẫn thấp nhất trong bốn nội dung thành phần, và điểm số cao nhất ở nội dung này chỉ đạt 1,69 trên thang điểm từ 0,25 đến 2,5 điểm.

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường), ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Tương tự kết quả 2020, Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nơi hiện trạng "vị thân" vẫn phổ biến nhất.

Dưới 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở hơn 30 tỉnh, thành phố, tỉ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc chỉ ở mức dưới 50%.

Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Hiện trạng "chung chi" để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021.

Kết quả khảo sát PAPI năm 2021, cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm.

Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm. Cùng với đó, tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021.

Đặc biệt, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Tỉ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải “chung chi” để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện lại tăng nhẹ, dao động từ 40% đến 80% ở khoảng 40 tỉnh, thành phố. Tỉ lệ này thấp nhất ở Đồng Tháp, Hậu Giang và TP.HCM.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng giúp hiểu được tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai...

Bên cạnh những vấn đề còn tồn tại, người dân cũng ghi nhận sự cải thiện ở một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch và vệ sinh môi trường đã tốt hơn; tình hình trộm cướp tại địa bàn dân cư giảm thấp hơn; chất lượng giáo dục tiểu học công lập cũng tăng trở lại sau khi sụt giảm bất thường vào năm 2020 khi các trường chưa kịp ứng phó với những thách thức của đại dịch COVID-19.

Năm 2021 là năm thứ hai của đại dịch nên đã có hơn 60% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết trường học của con em họ được trang bị thiết bị công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp ở các tỉnh miền núi hoặc các tỉnh nghèo.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.

T.H

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chung-chi-de-co-viec-lam-o-khu-vuc-nha-nuoc-con-pho-bien-1085318.html