Chứng chỉ quỹ và những bước tiến nhỏ trên con đường dài

Đầu tư chứng chỉ quỹ dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam những năm gần đây, khi thị trường có thêm lớp nhà đầu tư trẻ, năng động. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường mới ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu tố cần cải thiện.

“Cú sốc đầu đời”

Cuối năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua cơn rung lắc mạnh xuất phát từ các sự kiện bất ngờ liên quan tới trái phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… Sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán khiến các quỹ đầu tư không tránh khỏi tác động tiêu cực.

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ tháng 10 - 12/2022, xuất hiện tình trạng các quỹ đầu tư bị rút vốn mạnh, đặc biệt là quỹ trái phiếu, khiến một số quỹ phải áp dụng biện pháp tạm thời hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư (với cơ chế hoạt động của quỹ mở, khi các nhà đầu tư có nhu cầu bán chứng chỉ quỹ, các công ty quản lý quỹ phải thực hiện mua lại theo ngày hoặc 2 lần/tuần).

Chưa kể, vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán diễn biến xấu, dòng tiền bán tháo gây sức ép lớn đến cổ phiếu cơ sở của các quỹ, khiến hiệu quả đầu tư sụt giảm mạnh. Chứng kiến tài khoản đầu tư chứng chỉ quỹ âm (do giá chứng chỉ quỹ giảm sâu), hoạt động mua lại bị hạn chế, tâm lý nhà đầu tư càng trở nên hoang mang.

Tâm lý không vững vàng cùng với hiệu ứng đám đông khiến tình trạng bán tháo xảy ra ở một số quỹ đầu tư lớn trên thị trường, chẳng hạn giá chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu TCBF gần như rơi thẳng đứng khi bị bán ra ồ ạt.

Giá chứng chỉ quỹ TCBF rơi thẳng đứng khi bị bán ồ ạt.

Giá chứng chỉ quỹ TCBF rơi thẳng đứng khi bị bán ồ ạt.

Trong thời gian này, các quỹ trái phiếu lớn bị rút vốn mạnh như TCBF của Techcom Capital giảm từ 19.900 tỷ đồng xuống còn 9.400 tỷ đồng, tương ứng bị rút ròng hơn 52,5%; quỹ DCIP của Dragon Capital bị rút từ 1.022 tỷ đồng xuống còn 631 tỷ đồng, tương ứng giảm 38,2%; quỹ trái phiếu SSIAM bị rút từ 1.457 tỷ đồng về 468 tỷ đồng, tương ứng giảm 67,9%; quỹ VFF của VinaCapital có mức giảm thấp nhất từ 1.192 tỷ đồng về mức 1.047 tỷ đồng vào cuối tháng 11/2022, tương ứng giảm 12%.

Theo thống kê của Techcom Capital, chỉ trong 2 tháng từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 12/2022, hàng nghìn tỷ đồng được rút khỏi các quỹ trái phiếu như TCBF, SSIBF, MBBond, DCBF… và điều này gây áp lực rất lớn cho các công ty quản lý quỹ trái phiếu khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

Theo giới quan sát, diễn biến này được xem là “cú sốc đầu đời” đối với ngành quản lý quỹ còn non trẻ tại Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ.

Nhà đầu tư bán ra ồ ạt, bán dưới giá trị khiến các quỹ đầu tư trở tay không kịp, việc một lượng hàng lớn đổ ra thị trường trong khi các quỹ không kịp mua lại khiến giá trị của các chứng chỉ quỹ sụt giảm nhanh hơn. Biện pháp khẩn cấp lúc đó là đặt giới hạn mua lại chứng chỉ quỹ càng khiến nhà đầu tư hoang mang, lo lắng.

Để đảm bảo thanh khoản và mua lại chứng chỉ quỹ ở quy mô lớn bất thường, các quỹ trái phiếu cần chuẩn bị đủ tiền mặt hoặc phải bán trái phiếu ra thị trường, kể cả với giá chiết khấu, nhằm huy động tiền nhanh nhất có thể.

Điều này tác động ngược đến giá trị tài sản theo thị trường của các quỹ trái phiếu đang nắm giữ. Hệ quả là chỉ số NAV/CCQ (giá chứng chỉ quỹ) của các quỹ trái phiếu sụt giảm mạnh.

Sau khi xảy ra sự cố rút ròng, các công ty quản lý quỹ đã thực hiện một số biện pháp như cơ cấu lại danh mục đầu tư bằng cách tăng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn ở các ngân hàng.

Từng bước trưởng thành

Sau biến cố hồi cuối năm ngoái, thị trường đầu tư chứng chỉ quỹ hiện đang hồi phục dần. Trải nghiệm vừa qua để lại bài học đáng giá cả với nhà đầu tư lẫn các công ty quản lý quỹ.

Thực tế, lớp nhà đầu tư mới bùng nổ trong giai đoạn dịch bệnh gia nhập thị trường với tâm lý hăng hái, nhưng phần lớn lại thiếu kiến thức và trải nghiệm đầu tư tài chính - chứng khoán. Thậm chí, qua trao đổi với một số nhà đầu tư, có người còn không biết việc đầu tư chứng chỉ quỹ có thể… bị lỗ.

Nhà đầu tư H.Minh (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, nhìn vào đồ thị minh họa tại các công ty quản lý quỹ thấy giá chứng chỉ quỹ luôn đi lên, cùng với các mô tả cho thấy chứng chỉ quỹ là loại tài sản an toàn, mang tính bảo vệ… nên chị rất bất ngờ khi nhận thấy tài khoản đầu tư chứng chỉ quỹ của mình sụt giảm.

“Trước đó, tôi thường suy nghĩ chứng chỉ quỹ cũng như hình thức gửi tiết kiệm, cùng lắm thì lợi nhuận rất thấp, chứ không thể thua lỗ như vậy. Chưa kể, vào thời điểm đó, đặt lệnh bán ra nhưng không thể thực hiện được nên cảm thấy rất thất vọng”, anh Minh nói.

Một vấn đề khác là nhiều nhà đầu tư chứng chỉ quỹ có thói quen giao dịch như cổ phiếu, trong khi 2 hình thức đầu tư này có nhiều khác biệt. Chưa kể, phí giao dịch cũng khiến không ít nhà đầu tư “giật mình” sau khi đặt lệnh.

Với chứng chỉ quỹ, phí bán dao động từ 0,5 - 2%/giá trị giao dịch tùy vào thời hạn nắm giữ. Chẳng hạn, với chứng chỉ quỹ của VinaCapital, nếu nhà đầu tư nắm giữ dưới 1 năm thì phí bán là 2%/giá trị giao dịch, từ 1 năm đến dưới 2 năm là 1,5%/giá trị giao dịch, trên 2 năm là 0,5%/giá trị giao dịch. Khoản phí này cao hơn đáng kể so với phí giao dịch cổ phiếu (từ 0,1 - 0,35%/giá trị giao dịch).

Khi đầu tư chứng chỉ quỹ, cách tối ưu nhất là nắm giữ dài hạn, các biến động ngắn hạn không phản ánh được mức độ tăng trưởng của chứng chỉ quỹ và các quỹ cũng khó thay đổi cơ cấu tài sản nhanh chóng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho các chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu và lựa chọn một công ty uy tín, cũng như cần tìm hiểu kỹ về chiến lược đầu tư, các sản phẩm của quỹ có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và khẩu vị rủi ro của bản thân hay không.

Về phía các công ty quản lý quỹ, việc đảm bảo thanh khoản cho các sự kiện quy mô bất thường cần được chú trọng hơn, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin hoạt động và kiến thức đầu tư tới các khách hàng cũng như thị trường.

Với sự phát triển của mạng xã hội, các kênh tin tức, nhiều công ty quản lý quỹ đã và đang cung cấp thông tin đều đặn hàng ngày tới các khách hàng và người quan tâm, bên cạnh đó là thường xuyên tổ chức các hội thảo cung cấp kiến thức đầu tư và cập nhật diễn biến thị trường tới các nhà đầu tư.

Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển ngành quản lý quỹ Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Brook Taylor, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital (VCFM) chia sẻ, việc nâng cao hiểu biết về tài chính của nhà đầu tư tại Việt Nam là thách thức với không riêng ngành quản lý quỹ, mà còn với các lĩnh vực khác như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán..., bởi nếu nhà đầu tư không hiểu những rủi ro và lợi ích của việc đầu tư thì dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Ngoài ra, việc chấp nhận khách hàng phù hợp cũng là một trong những giải pháp được Tổng giám đốc VCFM đề cập tới. Ông Brook Taylor giải thích, khách hàng phù hợp là những người hiểu sản phẩm và mục đích họ đầu tư, nếu mối liên kết này không tồn tại sẽ dẫn đến rủi ro lớn.

“Sẽ rất khó để từ chối khách hàng, nhưng điều quan trọng hơn là tuân thủ các nguyên tắc vì lợi ích lâu dài của công ty quản lý quỹ nói riêng, ngành quản lý quỹ nói chung. Các công ty quản lý quỹ hàng đầu trên thế giới đều làm như vậy và các quỹ tại Việt Nam cũng nên thực hiện theo”, ông Brook Taylor nói.

Lam Phong / Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-chi-quy-va-nhung-buoc-tien-nho-tren-con-duong-dai-post327208.html