Chứng chỉ tiền hôn nhân và sứ mệnh ý nghĩa

Cuộc sống hôn nhân không màu hồng hay là thiên đường như tưởng tượng của cặp đôi trước ngưỡng cửa hôn nhân. Và, khóa học tiền hôn nhân mang trong mình sứ mệnh lớn.

Lý do được TS Nguyễn Xuân Thủy, học viện Cảnh sát Nhân dân đưa ra khi đề nghị bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong luật Hôn nhân gia đình tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục chiều 13/1 nằm ở việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội.

“Nhiều phụ huynh mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn nên phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà hoặc những người khác, cho cả các nhà trường”, ông Thủy nêu quan điểm và cho rằng, trẻ em bị xâm hại hoặc phạm tội đều xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”.

Từ thực trạng đó, TS đề xuất, để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải "trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội chỉ là một trong nhiều lý do ý nghĩa và cần thiết cho sự ra đời của đề xuất rất hợp lý này.

Cuộc sống hôn nhân không màu hồng hay là thiên đường như tưởng tượng của các cặp đôi trước ngưỡng cửa hôn nhân. Do thiếu kiến thức về cuộc sống gia đình nên nhiều cặp vợ chồng trẻ nhanh chóng ly hôn khi kết hôn chưa được bao lâu. Sự mơ hồ về cuộc sống chung, việc thiếu kỹ năng vượt qua thách thức, thiếu khả năng quản lý tài chính hay sự lúng túng trong việc đối mặt với mối quan hệ phức tạp đã khiến nhiều gia đình trẻ tan vỡ đáng tiếc.

Những khóa học tiền hôn nhân, những bài học qua sách vở tin rằng sẽ góp phần giảm bớt tình trạng "hỗn loạn" của sự đổ vỡ như hiện tại. Khi có tâm thế chủ động sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân chứ không phải "cưới chỉ vì mọi người cưới" hay "cưới do có bầu rồi",… những người trẻ ít nhiều sẽ tránh xa được bờ vực của những chia ly, mất mát, khổ đau.

Không phải ngẫu nhiên nhiều nước trên thế giới xem chứng chỉ tiền hôn nhân là điều kiện tiên quyết để được đăng ký kết hôn. Ở Úc, một trong những điều kiện đăng ký kết hôn là phải hiểu được kết hôn có ý nghĩa gì và tự do chấp nhận trở thành vợ chồng của nhau. Còn ở Pháp, những người muốn kết hôn phải có một lá thư viết tay thể hiện mong muốn kết hôn của chính mình và chỉ định danh tính của người vợ, chồng tương lai của bạn. Lá thư này cũng có thể chỉ định các điều kiện của cuộc họp, kiến thức lẫn nhau của vợ chồng tương lai, kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn,...

Năm ngoái, Indonesia đã thiết kế một chương trình mới theo hướng tổ chức các lớp học tiền hôn nhân bắt buộc cho các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình.

Theo Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy, chương trình này nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn.

Với thời lượng 3 tháng, các lớp học bắt buộc trên sẽ giáo dục cho các cặp đôi sắp cưới về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, quản lý, phòng ngừa các bệnh nghiêm trọng và phát triển kinh tế gia đình.

Tổng vụ trưởng Vụ Y tế công cộng Indonesia Kirana Pritasari cho rằng các lớp học tiền hôn nhân rất quan trọng nhằm đảm bảo, các cặp vợ chồng sắp cưới sẽ được chuẩn bị tốt cả về cảm xúc lẫn thể chất để bước vào cuộc sống hôn nhân và đảm nhận trách nhiệm làm cha mẹ.

Cuộc sống hôn nhân chưa bao giờ giản đơn và chỉ khi có tâm thế chủ động, sẵn sàng, một cuộc sống hạnh phúc mới được mở ra sau những vấp váp, thách thức.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chung-chi-tien-hon-nhan-va-su-menh-y-nghia-a503379.html