Chứng chóng mặt ở người cao tuổi: Chủ quan dễ nguy

Người cao tuổi hay than phiền vì chứng chóng mặt - đây là cảm giác chủ quan của bệnh nhân. Bệnh nhân tự nhiên cảm thấy mọi vật xung quanh mình chuyển động như đứng giữa một cơn lốc, mất cân bằng, đi đứng không vững, cảm giác bồng bềnh như ngồi trên thuyền, nhìn mọi vật nhòe không rõ, người nôn nao khó chịu ruột gan như bị đảo lộn. Đây là nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi dẫn đến chấn thương, tàn phế.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt.

Ở tai: Ống tai ngoài: như nút đáy, khi gặp nước nở to ra, kích thích ống tai ngoài gây chóng mặt hoặc nhọt ống tai cũng gây đau tai và chóng mặt. Tai giữa: viêm tai giữa cấp tính, bên cạnh sốt, đau tai, ù tai, nghe kém còn kèm chóng mặt. Tai trong: viêm tai tiết dịch gây chóng mặt ghê gớm kèm theo ù tai, nghe kém. Có khi viêm tai kèm với viêm màng não, viêm thần kinh tiền đình do virus hoặc vi khuẩn gây chóng mặt, quay cuồng, chóng mặt tư thế rõ nhưng thính lực lại bình thường.

Chóng mặt còn liên quan đến bệnh lý thần kinh, mất thăng bằng, stress và các bệnh huyết áp, mạch máu, nội tiết, dị ứng, chuyển hóa: rối loạn lipid máu, các viêm nhiễm… nên kết quả điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt, trong đó cơn chóng mặt kịch phát kéo dài do ảnh hưởng của tăng huyết áp là nguy hiểm nhất và là nguyên nhân của nhiều tai nạn ở người cao tuổi.

 Rối loạn tuần hoàn não là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt

Rối loạn tuần hoàn não là một trong những nguyên nhân gây chóng mặt

Người cao tuổi (NCT) hay bị chóng mặt tư thế do hạ huyết áp tư thế, thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa cột sống cổ, xơ hóa mạch máu não, hạ đường huyết, thiếu oxy não, rối loạn thần kinh tim.

Các bệnh khác: những rối loạn về mắt: rối loạn vận động các cơ của nhãn cầu, glocom, đục thủy tinh thể, u dây thần kinh tiền đình, áp-xe não. Ngoài ra còn nhiễm độc các thuốc: điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị sốt rét, nhóm thuốc aminozid, streptomycin, kanamycin...

Điều trị thế nào?

Trước một bệnh nhân bị chóng mặt, ta cần phải chẩn đoán nguyên nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp ta tiến hành điều trị triệu chứng trước trong thời gian tìm ra nguyên nhân. Trong khi điều trị triệu chứng, cần khám tỉ mỉ, nhiều khi phải phối hợp với các chuyên khoa nội, thần kinh, mắt, tai mũi họng và các thăm dò cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác.

Có 3 nhóm thuốc chính thường dùng điều trị chóng mặt, nên dùng thuốc riêng rẽ để hiểu tác dụng phụ của từng loại. Nhóm kháng histamin. Nhóm kháng tiết cholin, nhóm an thần. Các thuốc này dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra bệnh nhân nên ăn thức ăn dễ tiêu.

Giai đoạn 2: nâng đỡ sức khỏe, từ 10 ngày - 2 tuần. Bệnh nhân có thể hoạt động nhẹ nhàng, nhưng cần tránh đi lại trên cao, tránh đến gần các vật chuyển động nhanh như xe cộ, quạt điện...; Có thể uống tiếp 7 ngày thuốc chống chóng mặt. Giai đoạn 3: tập luyện, đây là phương pháp điều trị cơ bản, kéo dài trong nhiều tháng. Các bài tập nhằm rèn luyện cho tiền đình chịu đựng các thay đổi tư thế để dần phục hồi hoàn toàn. Bài tập cơ bản: bệnh nhân ngồi trên giường, thả chân dưới sàn nhà, nhắm mắt thư giãn rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường, giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trở lại tư thế ban đầu, ngồi yên trong 30 giây, tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về bên đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3 - 4 lần nghiêng đầu về mỗi bên. Những lần sau, mỗi buổi tập nghiêng đầu về mỗi bên 5 - 7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi ngủ. Bệnh nhân cần tập kiên trì trong 1- 2 tháng.

Cách tập luyện nêu trên đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại kết quả tốt trong 80% số bệnh nhân.

Bệnh nhân cũng cần tránh các yếu tố gây kích động tâm thần, tâm lý, thần kinh. Không dùng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc, nước chè đặc.

Lời khuyên thầy thuốc

Chóng mặt có thể phòng ngừa bằng cách luyện tập thích nghi cho hệ thống giữ thăng bằng của cơ thể khi bệnh nhân ở giai đoạn ổn định hay chóng mặt nhẹ. Tránh thay đổi tư thế đột ngột vì dễ té ngã gây chấn thương. Ngoài ra người cao tuổi không uống rượu, bia; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường có thán khí của xe, máy, khói...; khám và điều trị tích cực các bệnh tai mũi họng, nhiễm khuẩn...

BS. Nguyễn Đức

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-chong-mat-o-nguoi-cao-tuoi-chu-quan-de-nguy-146351.html