Chủng Delta khiến số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tăng chóng mặt

Ngày 2/8, các bang Florida và Louisiana của Mỹ đã ghi nhận số ca nhập viện do Covid-19 cao nhất kể từ đầu đại dịch do biến thể Delta lây lan nhanh chóng.

Riêng trong ngày 30/7, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa

Hơn 10.000 bệnh nhân đã nhập viện ở Florida vào ngày 1/8, vượt mức kỷ lục trước đó của tiểu bang. Số ca nhập viện do Covid-19 ở Louisiana được dự báo sẽ lập kỷ lục mới trong vòng 24 giờ. Điều này khiến Thống đốc John Bel Edwards đã áp đặt lại quy định người dân đeo khẩu trang trong không gian kín.

Số người nhập viện ở bang Arkansas cũng tăng vọt và có thể sẽ phá kỷ lục.

Tại California, các nhà lãnh đạo ở 8 hạt thuộc Khu vực Vịnh San Francisco đã khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà ở những nơi công cộng kể từ ngày 3/8.

Các thống đốc của New York và New Jersey cho biết, nhân viên ngành vận tải, nhân viên làm việc tại nhà tù, bệnh viện và viện dưỡng lão sẽ được yêu cầu tiêm chủng hoặc xét nghiệm thường xuyên. Thị trưởng Denver Michael Hancock cho biết, việc tiêm chủng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với hơn 11.000 nhân viên của thành phố.

Thống đốc New York Andrew Cuomo đã thúc giục các quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp tư nhân khác chỉ cho phép khách hàng đã được tiêm chủng vào quán. Ông Cuomo cho biết, tiêm vaccine có thể trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão, giáo viên và nhân viên y tế nếu số ca mắc bệnh trong thời gian tới không giảm.

Những động thái trên thể hiện những nỗ lực mới nhất của chính quyền Mỹ nhằm khuyến khích những người còn chần chừ đi tiêm chủng, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng trên toàn quốc.

Theo phân tích của Reuters, số ca nhiễm mới trung bình được ghi nhận mỗi ngày tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong 10 ngày qua và số bệnh nhân nhập viện ở nhiều bang đang tăng mạnh.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ hiện vượt mốc 35 triệu, trong khi số ca tử vong lên tới hơn 629.000 người. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ có sẵn nguồn cung vắc xin Covid-19, đợt bùng phát dịch lần này tại Mỹ có sự khác biệt so với các đợt trước.

Cho đến nay, những người chưa được tiêm chủng vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trong khi đó, những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19, song ít có khả năng trở bệnh nghiêm trọng.

Phần lớn các trường hợp nhập viện và tử vong vì Covid-19 xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng.

Các ổ dịch lớn nhất tại Mỹ hiện nay là những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong bối cảnh biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm mới, tỷ lệ tiêm vắc xin tại Mỹ đang bắt đầu tăng trở lại sau khoảng thời gian duy trì ở mức thấp.

Các bác sĩ tại Mỹ cho biết những bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta dường như trở bệnh nhanh hơn, và trong một số trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những bệnh nhân trước đây.

Biến chủng Delta bắt nguồn tại Ấn Độ và lần đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ vào tháng 3.

Biến chủng này sau đó nhanh chóng lấn át các biến chủng khác và lan rộng tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính cứ 10 ca nhiễm mới thì có 8 ca nhiễm biến chủng Delta.

Trung bình Mỹ triển khai tiêm khoảng 660.000 liều vắc xin mỗi ngày, tăng so với 500.000 liều mỗi ngày hồi tháng 7.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 3 triệu liều mỗi ngày vào tháng 4.

Các bang có số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất tại Mỹ là Louisiana, Florida, Arkansas và Mississippi. Cả 4 bang này đều có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp.

Hiện vẫn còn tranh cãi về việc áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang tại Mỹ sau khoảng thời gian chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống. Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, kể cả những người đã tiêm vắc xin.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-delta-khien-so-ca-mac-covid-19-tai-my-tang-chong-mat-post148087.html