Chứng hậu COVID-19 'che giấu' các dấu hiệu của bệnh ung thư
Bị COVID-19 vào tháng 3, bà Nguyễn Thị Loan (Quảng Ninh) được phát hiện ung thư phổi sau đó 4 tháng. Trước đó, thỉnh thoảng bà có biểu hiện mệt, nhưng lại tưởng đó là hậu COVID-19.
Theo lời kể của bà Loan, trước khi mắc COVID-19, sức khỏe của bà hoàn toàn bình thường, thậm chí còn tăng cân. Sau khi mắc COVID-19 và khỏi bệnh, thỉnh thoảng bà thấy mệt, khó thở, tức ngực nhẹ. Nghĩ là hậu COVID-19, bà đến phòng khám tư thăm khám và không phát hiện bệnh gì, bác sĩ kê thuốc bổ về uống. Một vài tuần sau, bà lại cảm thấy mệt, tức ngực. Bà đi khám hậu COVID-19, chụp X-quang tim phổi không phát hiện bất thường.
3 tháng sau, bà cảm thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, thường ngủ li bì, cứ chiều tối lại lên cơn sốt. Bà đi bệnh viện địa phương khám, chụp X-quang phát hiện trong phổi có nhiều dịch. Bác sĩ kê đơn kháng sinh về uống, nhưng sức khỏe không cải thiện, cơn sốt vẫn tái diễn. Bà được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, tại đây vẫn tiếp tục điều trị 15 ngày kháng sinh để “diệt” dịch trong phổi, nhưng không có hiệu quả. Nghi ngờ, bà được cho làm sinh thiết và có kết quả nghi ung thư phổi
“Không tin là sự thật, tôi được gia đình đưa lên bệnh viện tuyến trung ương khám và làm tất cả các xét nghiệm, kết quả là ung thư phổi đã di căn”, bà Loan buồn rầu cho biết.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Medlatec, Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết: "Tất cả chúng ta đều biết những ảnh hưởng nghiêm trọng mà COVID- 19 đã gây ra đối với sức khỏe con người, đặc biệt là chứng hậu COVID-19. Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất có lẽ phải kể tới chứng hậu COVID-19 đã “che đậy” các dấu hiệu của ung thư".
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Medlatec tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến thăm khám vì lầm tưởng rằng các triệu chứng mình đang gặp phải là do hậu COVID-19. Tuy nhiên, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, chụp CT và các thăm dò khác thì một số bệnh nhân phát hiện mình bị ung thư, trong đó, phổ biến hơn cả là ung thư phổi.
Điển hình là bệnh nhân T.V.L đến khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec khi cơ thể có hiện tượng ho nhẹ, ngoài ra không có triệu chứng bất thường nào khác. Kết quả xét nghiệm, siêu âm cho thấy sức khỏe bệnh nhân tương đối tốt.
Tuy nhiên, kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner) phát hiện một khối u phổi phải, nằm sát rãnh liên thùy có nhiều đặc điểm ác tính. Dưới hướng dẫn của hình ảnh chụp CT, khối u được sinh thiết cho ra kết quả ung thư biểu mô tuyến. Kết quả hóa mô miễn dịch cho kết quả bệnh nhân đáp ứng được điều trị.
Bệnh nhân may mắn phát hiện sớm, chưa có dấu hiệu di căn sang các cơ quan nên tiên lượng điều trị khỏi, hiện tại sức khỏe đã ổn định
“Các dấu hiệu ung thư thường hay tiềm ẩn, dễ nhầm lẫn, do đó nhiều người thường “tặc lưỡi” bỏ qua. Khi những biểu hiện rõ thì thường bệnh đã ở giai đoạn cuối”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Theo BS, có những nốt u rất nhỏ, khi chụp X-quang không phát hiện ra, nhưng chụp CT lại phát hiện được.
Phương pháp chụp CT có thể phát huy ưu thế tuyệt đối ở những bệnh lý ung thư cụ thể, điển hình như ung thư phổi. Chụp CT giúp tầm soát ung thư phổi giai đoạn sớm, phát hiện nốt phổi kích thước nhỏ 2- 3mm, giúp điều trị kịp thời cho người bệnh.
"Khối u càng nhỏ khi được phát hiện, các tế bào ung thư càng ít có khả năng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Điều này cho phép bệnh nhân có nhiều lựa chọn hơn trong điều trị và có cơ hội sống sót cao hơn", PGS Dũng nhận định.
Chụp CT còn có vai trò phân loại giai đoạn ung thư, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp của từng giai đoạn cụ thể. CT cho phép bác sĩ đánh giá được khối u đó đã ổn định hay có nguy cơ tái phát trong điều trị, từ đó giúp bác sĩ có hướng điều trị và theo dõi bệnh phù hợp cho bệnh nhân.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi khỏe mạnh tại các cơ sở y tế uy tín, có trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc chẩn đoán. Riêng đối với các bệnh lý cần phân tích sâu và phát hiện những bất thường với kích thước nhỏ thì chụp CT được coi như là “mắt thần”, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và tiên lượng bệnh..