Chứng khoán 26/2: Đổi màu cuối phiên, VN-Index tăng nhẹ hơn 3 điểm
Thị trường chứng khoán hôm nay 26/2: VN-Index chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa nhưng dần hồi phục và đổi màu thành công khi tăng hơn 3 điểm.
Thị trường chứng khoán 26/2 (ảnh minh họa)
Bước vào phiên giao dịch chiều 26/2, VN-Index tiếp tục có nhịp hồi phục và đã đổi màu thành công. Mặc dù vậy, biên độ tăng của chỉ số cũng không quá lớn khi thị trường có sự phân hóa.
Kết phiên, VN-Index tăng 3,04 điểm (tương đương 0,26%) lên 1.168,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 554,462 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.870 tỷ đồng.
Nhiều cái tên trong nhóm ngân hàng hiện sắc xanh đã tác động tích cực đến chỉ số như BID tăng 1,51%, ACB tăng 2,01%, VIB tăng 3,25%, VPB tăng 1,01%, MBB tăng 1,28%, TPB tăng 0,73%...
Ngoài ra, hỗ trợ VN-Index phải nhắc đến, HPG tăng 3,28%, MSN tăng 0,78%, HVN tăng 3,28%, PNJ tăng 1,07%, VNM đảo chiều tăng nhẹ 0,19%...
Ở chiều ngược lại, tạo lực cản lên VN-Index thuộc về VHM giảm 1,17%, VRE giảm 1,63%, BCM giảm 1,71%, NVL giảm 0,59%, BVH giảm 0,84%, MWG giảm 0,52%...
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có phần hạ độ cao so với phiên sáng, đóng cửa tăng 3,02 điểm (tương đương 1,23%) lên 249,22 điểm.
Đóng vai trò đỡ chỉ số của sàn có sự hiện diện của THD tăng 2,55%, VCS tăng 1,65%, TNG tăng trần 9,68%, VIF tăng 2,81%, IDC tăng 1,57%, NVB tăng 0,68%, CEO tăng 1,89%... Trong khi, SHB, PVS, PVI… đồng loạt đứng giá tham chiếu.
Còn chỉ số UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (tương đương 0,2%) lên 76,64 điểm.
Trước đó, chỉ số sàn HOSE mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/2 với sắc đỏ bao trùm và lùi về ngưỡng 1.150 điểm. Những phút tiếp theo, lực cầu nhập cuộc đã giúp VN-Index nhanh chóng thu hẹp đà giảm nhưng vẫn chưa đủ để trở lại tham chiếu trong thời gian còn lại của phiên sáng.
Tạm nghỉ, VN-Index giảm 7,28 điểm (tương đương 0,62%) xuống 1.158,15 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index có diễn biến khởi sắc với mức tăng 5,06 điểm (tương đương 2,05%) lên 251,26 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (tương đương 0,25%) xuống 76,29 điểm.
Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) trước đó nhận định, thị trường hồi phục nhẹ trong phiên 25/2 với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh, mức tăng có được chủ yếu do hoạt động giảm bán từ nhà đầu tư.
Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với mục tiêu trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ có biến động mạnh do phiên hôm nay (26/2) là cuối tuần và cũng là ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.120-1.125 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh vùng đỉnh.
Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có thể tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần.
Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên có thể khiến thị trường chịu biến động mạnh ở một vài thời điểm trong phiên hôm nay (26/2), đặc biệt là phiên ATC.
Về tổng thể, thị trường vẫn đang nằm trong giai đoạn dao động đi ngang tích lũy bên dưới vùng kháng cự 1.185-1.200 điểm.
BVSC cho rằng, đây là quá trình tích lũy cần thiết để giúp thị trường và các nhóm cổ phiếu tạo mặt bằng giá mới trước khi hướng đến kỳ vọng vượt qua vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm trong thời gian tới.
Chiến lược đầu tư được đưa ra là duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn.
Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục. Hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…