Chứng khoán 31/5: Giảm 3 phiên liên tiếp, vốn hóa của ông lớn ngân hàng Big4 mất mốc 500 nghìn tỷ đồng

Sau 3 phiên giảm liên tiếp, vốn hóa của Vietcombank đã giảm xuống chỉ còn 487 nghìn tỷ đồng, rời khỏi mốc 500 nghìn tỷ đồng từng thống trị.

Bắt đầu từ đầu tháng 2/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những bứt phá khiến nhiều cổ phiếu thiết lập các mốc lịch sử trong đó có Vietcombank. Cuối tháng 2, cổ phiếu VCB tăng vượt mốc 91.000 đồng/cp, cú bứt phá đẩy giá trị vốn hóa của Vietcombank lên hơn 509.000 tỷ đồng (21 tỷ USD), tiếp tục củng cố vị trí số 1 toàn sàn chứng khoán. Đến nay, Vietcombank vẫn là cái tên duy nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam vượt ngưỡng nửa triệu tỷ vốn hóa.

Tuy nhiên trong 3 phiên gần đây nhất, cổ phiếu của ngân hàng này liên tục giảm, mất mốc 90.000 đồng/cp, đẩy vốn hóa của Vietcombank xuống dưới ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng. Kết phiên hôm nay 31/5, cổ phiếu của ngân hàng thuộc Big4 này giảm 1,58% xuống còn 87.200 đồng/cp, theo đó, vốn hóa của Vietcombank cũng bị đẩy xuống còn 487 nghìn tỷ đồng.

Vietcombank cũng là 1 trong 4 ngân hàng được mua vàng miếng từ NHNN và bán trực tiếp cho người dân, theo đó, Vietcombank vừa có thông báo kể từ ngày 3/6 (dự kiến từ 13h30) ngân hàng này sẽ triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng cá nhân là người Việt Nam. Về địa điểm, vàng miếng SJC sẽ được Vietcombank bán ra trực tiếp cho người dân, trước mắt tại 6 điểm giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM. Vietcombank cũng cho biết sẽ bán vàng miếng SJC theo đơn vị lượng; chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng.

Trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, thị trường hầu hết giằng co trên mức tham chiếu vào phiên sáng, sau đó áp lực chốt lời kéo chỉ số giảm điểm. Tuy nhiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ và duy trì trên ngưỡng 1,260 điểm, đóng cửa phiên 31/5 với mức giảm 4,6 điểm về 1.262 điểm. Dòng tiền sụt giảm mạnh với thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Kết phiên, bộ đôi VIC và CTG là đầu tàu dẫn dắt thị trường, theo sau là FRT. Ngược lại, áp lực điều chỉnh của các mã VCB, GVR, SAB kìm hãm đà tăng tốc của chỉ số.

Nhóm ngành bán lẻ góp phần tăng trưởng tích cực nhất cho chỉ số vào phiên hôm nay. Với đóng góp chính chủ yếu đến từ mã cổ phiếu FRT khi bật tăng tích cực với mức tăng 3,35%. Kết quả này còn nhờ sự đóng góp của một số mã khác như DGW tăng 1,72%, MWG tăng 1,27%...

Cổ phiếu nhóm ngân hàng đảo chiều giảm nhẹ, với nhân tố chính là VCB đảo chiều giảm 1,58% xuống mức giá thấp nhất phiên. Đáng chú ý nhất phiên hôm nay là cổ phiếu Eximbank đã có khối lượng giao dịch đột biến (hơn 20 triệu cổ phiếu), đồng thời EIB cũng ngược dòng tăng 1,27% lên 19.950 đồng/cp. Diễn biến tích cực của cổ phiếu này diễn ra sau khi Eximbank vừa thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2023. Theo đó, cổ đông sẽ nhận được cổ tức đồng thời bằng tiền và bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu nhóm chứng khoán lùi về sát mốc tham chiếu, trong đó tích cực vẫn là các mã vừa và nhỏ, với VIX chốt phiên tăng nhẹ 0,56% lên 18.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh chỉ thua EIB, đạt hơn 16,8 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ cũng ngược dòng thị trường chung và khởi sắc như ADS hay SGT đều chốt phiên tím trần; SGR, CLC, ITD cũng đều tăng khá tốt...

Ngược lại, hai mã cổ phiếu CSM và DRC nằm trong nhóm sản phẩm cao su ghi nhận giảm điểm với mức giảm lần lượt là 4,02% và 1,91%.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng 1.502 tỷ đồng trên toàn thị trường. VHM chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 645 tỷ đồng, VCB cũng bị "xả" 257 tỷ đồng. Đáng chú ý, MWG và VNM cũng bị bán 130 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Tại chiều mua, cổ phiếu TCB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 63 tỷ đồng. Theo sau, MSN và FPT là hai mã tiếp theo được gom 53 và 48 tỷ đồng. Ngoài ra, HPG và DGC cũng được mua 21 và 18 tỷ đồng.

Hương Trang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chung-khoan-315-giam-3-phien-lien-tiep-von-hoa-cua-ong-lon-ngan-hang-big4-mat-moc-500-nghin-ty-dong-123063.html