Chứng khoán 5/6: Nikkei lên 'đỉnh' 3 thập kỷ, VN-Index được cứu nhờ VCB
Chứng khoán 5/6 đổ dồn sự chú ý vào thị trường Nhật Bản khi mà chỉ số Nikkei lên 'đỉnh' 3 thập kỷ. Trong khi đó, VN-Index được 'cứu' nhờ VCB.
VN-Index được “cứu” nhờ VCB
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong chuỗi ngày tăng ấn tượng. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có đà đi lên mỗi phiên thuộc Top mạnh nhất. Phiên chứng khoán 5/6 cũng vậy, chỉ số VN-Index tiếp tục “nóng” từ đầu phiên.
Lực cầu ồ ạt xuất hiện ngay từ đầu phiên chứng khoán 5/6. Thế nhưng, càng tới cuối phiên, áp lực bán ra càng nhiều hơn từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Hàng loạt mã “quay xe” từ xanh sang đỏ khiến đà tăng của VN-Index hạn chế hơn.
Đóng cửa phiên chứng khoán 5/6, VN-Index chỉ còn tăng 6,98 điểm, tương đương 0,64% lên 1.097,82 điểm; VN30-Index tăng 4,12 điểm, tương đương 0,38% lên 1.091,08 điểm. Blue-chips hạ nhiệt cuối phiên khiến các chỉ số chỉ duy trì được đà tăng nhẹ.
Phiên chứng khoán 5/6 thậm chí có thể chìm trong sắc đỏ nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành ngân hàng tăng mạnh.
Dẫn đầu nhóm cổ phiếu ngân hàng là “anh cả” VCB. Chốt phiên chứng khoán 5/6, VCB tăng 3.100 đồng/CP, tương đương 3,5% lên 98.000 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của VCB.
Đứng sau VCB là VIB (tăng 150 đồng/CP, tương đương 0,7% lên 23.200 đồng/CP), MBB (tăng 100 đồng/CP, tương đương 0,5% lên 19.800 đồng/CP), CTG (tăng 100 đồng/CP, tương đương 0,3% lên 28.750 đồng/CP).
Bên cạnh nâng đỡ của cổ phiếu VCB, phiên chứng khoán 5/6 còn một tâm điểm khác chính là thanh khoản. Dù giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng khối lượng và giá trị giao dịch sàn TP HCM vẫn đứng ở mức rất cao. Có tới 948 triệu cổ phiếu, tương đương 17.561 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 ghi nhận 232 triệu cổ phiếu, tương đương 6.018 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Trong phiên chứng khoán 5/6, blue-chips trên sàn Hà Nội gặp áp lực rất lớn nên HNX30-Index giảm nhẹ, giảm 1,4 điểm, tương đương 0,33% xuống 418,28 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,53 điểm, tương đương 0,23% lên 226,56 điểm.
Thanh khoản trên sàn Hà Nội giảm sút. Chỉ có 112 triệu cổ phiếu, tương đương 1.695 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Nikkei lên “đỉnh” 3 thập kỷ
Tâm điểm của phiên chứng khoán 5/6 tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương chính là sự bứt phá mạnh mẽ của Nikkei
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt đi lên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật dự luật trần nợ cho phép Mỹ tránh khỏi tình trạng vỡ nợ đối với các nghĩa vụ tài chính của mình vào cuối tuần qua.
Dự luật trần nợ thỏa hiệp đã thông qua Thượng viện với tỷ số 63-36 vào tối thứ Năm, giành được đủ sự ủng hộ từ cả hai bên để vượt qua ngưỡng 60 phiếu bầu của viện nhằm tránh một cuộc phản đối.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,2% trên mốc 32.000 lần đầu tiên kể từ năm 1990, đóng cửa ở mức 32.217,43. Topix cao hơn 1,7% và đóng cửa ở mức 2.219,97.
Giá dầu tương lai cũng tăng khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm một triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích lên 0,54%, kết thúc ngày ở mức 2.615,41 và kéo dài đợt tăng giá vào thứ Sáu. Kosdaq tăng 0,26% lên 870,28.
S&P/ASX 200 của Úc đã tăng 1%, kết thúc ở mức 7.216,3 và ghi nhận ngày tăng thứ ba liên tiếp, trước quyết định về lãi suất của ngân hàng trung ương của đất nước vào ngày mai.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã chứng kiến mức tăng 0,88% vào thứ Hai, kéo dài đà tăng từ mức tăng 4% được ghi nhận trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Thị trường Trung Quốc đại lục hỗn hợp hơn, với Shanghai Composite tăng nhẹ lên 3.232,44 và Shenzhen Component giảm 0,48% xuống 10.946,08.
Tại Mỹ vào thứ Sáu tuần trước, cả ba chỉ số chính đều tăng hơn 1%, với Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 2,12%, đánh dấu ngày tốt nhất kể từ tháng Giêng.
S&P 500 tăng 1,45%, trong khi Nasdaq Composite tăng 1,07%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022 trong phiên.