Chứng khoán châu Á đang có 'mức chiết khấu lớn' so với chứng khoán Mỹ
Theo nhà quản lý tài sản Robeco, chứng khoán châu Á có thể sẵn sàng phục hồi nhờ mức định giá hấp dẫn, điều này phản ánh kinh nghiệm vào những năm 2000 khi chứng khoán khu vực phục hồi sau sự sụp đổ của bong bóng dotcom và vượt trội hơn so với các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu.
"Nếu quay trở lại năm 2000 đến năm 2003, đó là một kịch bản rất tương tự khi chứng khoán châu Á giao dịch ở mức chiết khấu lớn so với các tài sản của Mỹ và được coi là an toàn hơn cho đến khi thị trường trải qua sự điều chỉnh tăng trưởng và các nhà hoạch định chính sách châu Á đẩy mạnh các chương trình kích thích”, Joshua Crabb, giám đốc cổ phần Châu Á Thái Bình Dương tại Robeco Hong Kong Ltd. cho biết.
Ngoài một số điểm sáng ở các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung đã gặp khó khăn trong năm nay khi tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và đồng đô la tăng giá đè nặng lên tâm lý.
Theo dữ liệu của Bloomberg, chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đang giao dịch ở mức P/E là 12 lần, gần mức định giá rẻ trong lịch sử so với Chỉ số Thế giới MSCI và Chỉ số S&P 500.
“Khoảng cách định giá ngày càng lớn, nhưng những yếu tố như vị thế tài chính xấu, vị thế tiền tệ xấu và tỷ giá hối đoái cố định không còn tồn tại nữa”, ông Joshua Crabb cho biết . Câu hỏi mà các nhà đầu tư nên đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với khoảng cách định giá khi mọi thứ bắt đầu bình thường hóa và phục hồi ở châu Á.
“Về mặt cấu trúc, chúng tôi nhận định tích cực ở thị trường Đông Nam Á và ưa thích các thị trường như Indonesia và Việt Nam với thu nhập ổn định và câu chuyện cấu trúc dài hạn là tích cực”, Vicki Chi, nhà quản lý danh mục đầu tư của Robeco cho biết.
Sau khi bong bóng dotcom bùng nổ, chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã tăng 38% vào năm 2003 và vượt trội so với Chỉ số S&P 500 trong suốt cả năm 2007.
Nhiều nhà quản lý tài sản đang nhận định chứng khoán châu Á sẽ phục hồi đáng kể và lưu ý rằng trong điều kiện lãi suất tăng, lạm phát cao và đồng đô la mạnh hơn thường dẫn đến xu hướng “bán tháo mạnh” tài sản ở châu Á.
Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã giảm 21% trong năm nay, so với mức giảm 25% đối với chỉ số Nasdaq và giảm 17% đối với chỉ số S&P 500.