Chứng khoán châu Á giảm nhẹ sau đợt bán tháo trên phố Wall
Thị trường chứng khoán châu Á đang phải vật lộn để giữ vững vị thế vào thứ Ba (22/4) sau khi một cuộc tháo chạy dữ dội khỏi các tài sản của Mỹ làm suy yếu Phố Wall và đồng USD, trong khi những lo ngại về tính độc lập của Fed đang đè nặng lên trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất đã khiến các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm 2% vào thứ Hai và dìm đồng USD trong đáy 3 năm.
Theo Tapas Strickland – Trưởng bộ phận kinh tế thị trường tại NAB, hoạt động bán tháo tài sản Mỹ “đang diễn ra sôi nổi”. “Cho dù Tổng thống Trump có đủ năng lực pháp lý và sẵn sàng hành động chống lại Fed hay không, thì cuộc đấu khẩu này cũng nhấn mạnh đến sự mất mát của chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ và rủi ro chính sách rất thực tế đối với các nhà đầu tư”.
Sự sụt giảm mạnh của phố Wall cũng phần nào tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư tại châu Á sáng nay, tuy nhiên hoạt động bán ra đã giảm bớt phần nào, cho phép chỉ số tương lai S&P 500 tăng 0,4% và chỉ số tương lai Nasdaq tăng 0,5%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng chỉ giảm nhẹ gần 0,1%, trong khi chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giảm 0,2%. Các cổ phiếu blue chip của Trung Quốc hiện vẫn ổn định.
Tuy nhiên cổ phiếu châu Âu kém may mắn hơn, với các chỉ số tương lai của EUROSTOXX 50, FTSE và DAX đều giảm khoảng 0,7%.
Mức giảm tương đối nhẹ ở châu Á đã làm dấy lên những lời bàn tán rằng các quỹ có thể đang phân bổ lại tiền vào cổ phiếu trong khu vực, mặc dù tác động của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế vẫn là một lực cản lớn.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, rủi ro phía trước vẫn còn rất lớn và hoạt động bán ra tài sản Mỹ vẫn đang diễn ra do lo ngại các chính sách của ông Trump có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ ở mức 4,40%, tăng do lo ngại Nhà Trắng có thể cố gắng thay thế Powell bằng một người có xu hướng cắt giảm lãi suất hơn, ngay cả khi lạm phát đang được cải thiện nhờ mức thuế quan mạnh tay của Trump. Ngoài ra, còn có lo ngại rằng Fed hiện tại có thể sẽ miễn cưỡng nới lỏng chính sách hơn trong trường hợp điều đó bị coi là nhượng bộ trước áp lực chính trị.
Trong khi đó các cuộc đàm phán của Nhà Trắng về nhiều thỏa thuận thương mại khác nhau đang diễn ra hoặc sắp bắt đầu, thì một giải pháp nhanh chóng có vẻ không khả thi. Các nhà phân tích tại JPMorgan lưu ý rằng một thỏa thuận thương mại trung bình mất 18 tháng để đàm phán và 45 tháng để thực hiện. “Chúng tôi nhắc lại quan điểm của mình rằng nếu các chính sách hiện tại không thay đổi, thì khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ vào năm 2025 là 90%”, họ cho biết trong một lưu ý.
Việc mất niềm tin vào tài sản của Mỹ đã gây thiệt hại nặng nề cho đồng USD, đẩy đồng bạc xanh rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022 so với rổ tiền tệ, ở mức 97,923 vào thứ Hai.