Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm do quan ngại về Fed

Ngày 21/4, đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, làm dấy lên lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương này.

Đồng Đô la Mỹ (USD). Ảnh: THX/TTXVN

Đồng Đô la Mỹ (USD). Ảnh: THX/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số USD – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một giỏ gồm sáu đồng tiền chủ chốt – giảm 1,1%, xuống còn 97,923, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Đồng USD cũng giảm hơn 1,5% so với đồng franc Thụy Sỹ, rơi xuống mức 0,8063 franc/USD – thấp nhất trong vòng 10 năm, và chạm “đáy” bảy tháng so với đồng yen Nhật, giao dịch ở mức 140,66 yen/USD.

Diễn biến tiêu cực này xảy ra sau khi ông Trump tiếp tục yêu cầu Fed hạ lãi suất ngay lập tức. Cùng lúc, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett tiết lộ chính quyền đang xem xét khả năng bãi nhiệm ông Powell – dù trên thực tế, Tổng thống không có quyền trực tiếp cách chức Chủ tịch Fed nếu không có lý do rõ ràng theo quy định pháp luật.

Ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại ngân hàng Mizuho nhận định: “Ông Trump không thể sa thải Chủ tịch Fed theo cách thông thường. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có thể tạo ra áp lực làm suy giảm tính độc lập của Fed”.

Những động thái từ ông Trump khiến giới đầu tư thêm lo ngại rằng chính sách tiền tệ của Mỹ có thể bị chính trị hóa. Ông Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay, cảnh báo nếu mục tiêu kép của Fed – duy trì ổn định giá cả và thúc đẩy việc làm – bị thay thế bằng các mục tiêu chính trị, ngân hàng này có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát.

Điều đáng chú ý là sự biến động trên thị trường tài chính gần đây đã phá vỡ một quy luật tưởng chừng vững chắc đó là: "Cổ phiếu giảm, lợi suất trái phiếu giảm, USD tăng". Trong các đợt bán tháo cổ phiếu năm 2008 và 2020, nhà đầu tư thường đổ xô vào trái phiếu Chính phủ Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá trị đồng USD lên cao.

Tuy nhiên, lần này lại khác. Khi thị trường chứng khoán chao đảo vì căng thẳng thương mại leo thang, nhà đầu tư lại có xu hướng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ. Cùng lúc đó, đồng USD lại mất giá mạnh, giảm hơn 9% so với rổ tiền tệ kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 1/2025.

Sự đổ vỡ này phản ánh phần nào sự bất ổn từ chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại. Chính sách thương mại cứng rắn, sự thiếu nhất quán trong hoạch định chính sách và thái độ nghi ngờ vai trò toàn cầu của đồng USD từ một số cố vấn của ông Trump đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài, những người đang nắm giữ khoảng 32.000 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ, phải lo ngại. Nguồn vốn nước ngoài không chỉ thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ mà còn giúp giữ lãi suất nợ công khổng lồ ở mức thấp, một lợi thế được gọi là "đặc quyền quá mức" của đồng USD.

Thậm chí, một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Trump dường như không mấy mặn mà với vị thế thống trị của đồng bạc xanh. Phó Tổng thống J.D. Vance, khi còn là thượng nghị sĩ, từng chỉ trích vai trò quốc tế của đồng USD, cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài tích lũy chứng khoán Mỹ đã làm tăng giá trị đồng tiền này một cách giả tạo, gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ. Hồi tháng 11/2024, ông Stephen Miran, hiện là người đứng đầu Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, từng đề xuất ý tưởng đánh thuế trái phiếu chính phủ do nước ngoài nắm giữ để ngăn cản việc mua vào.

Sự mất giá của đồng USD lại là cơ hội cho các đồng tiền khác khi nhà đầu tư tìm kiếm các kênh trú ẩn và thay thế. Các đồng tiền mạnh như đồng franc Thụy Sỹ, được hỗ trợ bởi vị thế trung lập và hệ thống tài chính vững mạnh, đã tăng hơn 9% so với đồng USD. Đồng yen Nhật, nhờ lạm phát thấp và nhu cầu trái phiếu mạnh, cũng tăng hơn 9%. Đồng euro cũng đạt mức cao nhất ba năm so với đồng USD. Các đồng tiền thị trường mới nổi như SGD và đồng won Hàn Quốc đều ghi nhận mức tăng.

Tâm lý bất an khiến giới đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn. Giá vàng thế giới tăng lên trên mức 3.400 USD/ounce. Đồng euro vượt mốc 1,15 USD/euro – mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Đồng bảng Anh cũng tăng lên 1,34 USD, mức cao nhất từ tháng 9/2024, trong khi đô la Australia (AUD) và đôla New Zealand (NZD) lần lượt lên mức cao nhất trong 4 tháng và 5 tháng.

Thêm vào đó, căng thẳng từ các chính sách thuế của ông Trump và những bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại càng khiến triển vọng kinh tế Mỹ u ám, kéo đồng USD trượt dốc.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-usd-giam-xuong-muc-thap-nhat-trong-ba-nam-do-quan-ngai-ve-fed-20250422112759947.htm