Chứng khoán – cửa phục hồi đang mở?

Diễn biến bật lại mạnh mẽ của thị trường trong tuần trước khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng điểm đảo chiều đã diễn ra và cửa phục hồi đang mở ra cho thị trường chứng khoán trong thời gian còn lại của năm nay. Chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực.Dù vậy, một vấn đề tiêu cực phát sinh gần đây là hiện tượng dòng tiền đang rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu, do lãi suất tiết kiệm thời gian qua tăng mạnh trong khi nhà đầu tư đang rất lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Gần 100 triệu cổ phiếu HPG đã được khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 18-11-2022, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này.

Gần 100 triệu cổ phiếu HPG đã được khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 18-11-2022, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này.

Nỗ lực phục hồi

Gần 100 triệu “cổ phiếu quốc dân” HPG đã được khớp lệnh trong phiên giao dịch ngày 18-11-2022, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này, bất chấp đó là phiên HPG cũng tăng gần trần tiếp nối hai phiên tăng trần liên tiếp trước đó. Chỉ trong vòng ba phiên từ ngày 16 đến 18-11, cổ phiếu HPG đã tăng đến 20%, với khối lượng giao dịch tăng vọt, cho thấy dòng tiền lớn dường như đã bắt đầu tham gia và không còn e ngại bắt đáy.

Diễn biến của HPG đã phần nào phác họa bức tranh rộng lớn hơn của thị trường chung, thể hiện qua chỉ số VN-Index. Cũng trong phiên ngày 18-11, đã có gần 833,8 triệu cổ phiếu được sang tay trên sàn HOSE, khi lượng hàng “khủng” bắt đáy trong hai ngày trước đó về tài khoản nhà đầu tư.

Cụ thể trong phiên giao dịch 16-11, khối lượng giao dịch khớp lệnh riêng trên sàn HOSE đã đạt hơn 934 triệu cổ phiếu, cao nhất trong gần tám tháng qua, tương đương với giá trị giao dịch hơn 14.000 tỉ đồng.

Cùng với khối lượng tăng vọt, phiên này cũng chứng kiến sự đảo chiều bất ngờ từ giảm 38 điểm sang tăng 31 điểm khi đóng cửa, tương đương tăng 3,4%, tức biên độ dao động trong phiên lên đến gần 70 điểm, phát tín hiệu dòng tiền lớn bắt đáy đang đổ vào. Theo đó, VN-Index ghi nhận ngày nỗ lực phục hồi đầu tiên, để rồi phiên kế tiếp (ngày 17-11) tăng tiếp 26 điểm.

Đáng lưu ý trong phiên đầu tuần này (21-11), dù VN-Index giảm gần 8,7 điểm nhưng vẫn có 234 mã đóng cửa trong sắc xanh, hơn gấp đôi số mã giảm là 105 mã. Cả ba sàn còn ghi nhận 122 cổ phiếu kịch trần trong đó riêng sàn HOSE đóng góp 52 mã. Diễn biến này khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng điểm đảo chiều đã diễn ra và cửa phục hồi đang mở ra cho thị trường chứng khoán trong thời gian còn lại của năm nay.

Chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực. Thống kê cho thấy dù trong phiên 18-11, khối tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng hơn 32 tỉ đồng, nhưng tính chung cả tuần từ 14 đến 18-11, họ vẫn mua ròng gần 493 tỉ đồng, trong đó tập trung vào các mã trong VN30 như FPT, ACB, MWG, PNJ, TCB, STB, MSN.

Tương tự, khối ngoại cũng đã quay trở lại mua ròng mạnh mẽ, với giá trị mua ròng đạt gần 9.200 tỉ đồng trên sàn HOSE tính từ đầu tháng 11 đến phiên ngày 21-11, trong đó riêng tuần từ 14 đến 18-11, giai đoạn VN-Index rớt về mức thấp nhất ở vùng 874 điểm, nhóm này đã mua ròng hơn 5.000 tỉ đồng. Phiên giao dịch trước đó, ngày 11-11, khối này cũng mua ròng gần 2.500 tỉ đồng trên sàn HOSE. Như vậy, sau nhiều tháng bán ròng liên tiếp, khối ngoại đang hướng đến tháng đầu tiên quay lại mua ròng trong tháng 11 này.

Vùng hỗ trợ quan trọng

Trong khi đó, song song với việc một số cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ vẫn đang bị bán giải chấp, tuần từ ngày 14 đến 18-11 cũng chứng kiến động thái đăng ký mua vào bắt đáy của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Có thể kể đến ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TTF trong khoảng thời gian từ ngày 23-11 đến 22-12-2022. Ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cùng hai con trai là ông Nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam đăng ký mua thêm 4,4 triệu cổ phiếu NLG trong thời gian từ 18-11 đến 17-12-2022. Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT CTCP BCG đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu BCG từ ngày 21-11 đến 20-12-2022. Ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX), cùng em trai là ông Đỗ Quý Thành – Phó tổng giám đốc, đăng ký mua tổng cộng 10 triệu cổ phiếu HPX.

Việc VN-Index sau khi rớt về mức thấp nhất ở vùng 874 điểm rồi bật mạnh trở lại có lẽ cũng đến từ yếu tố kỹ thuật, khi mốc 850 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh, tương ứng với mốc Fibo 78,6 kéo từ đáy vào cuối tháng 3-2020 lên đỉnh cao vào đầu tháng 4 năm nay. Theo đó, có lẽ một lượng tiền lớn đánh theo kỹ thuật đã chờ sẵn ở xung quanh vùng này.

Về cơ bản, một số ý kiến cho rằng vùng đáy của VN-Index cũng đã ở quanh đây, nên đây được xem là vùng hấp dẫn để mua tích lũy cổ phiếu cho dài hạn, giá nhiều cổ phiếu đã ở vùng thấp hơn thời gian dịch Covid-19 xảy ra, kể cả vùng đỉnh dịch.

Trong khi đó, những tin xấu hay vấn đề tiêu cực thời gian qua ảnh hưởng mạnh đến thị trường, từ các vụ bắt bớ, nỗi lo bất ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương giờ đây cũng không phải là tin tức quá mới mẻ. Nói cách khác, sự lao dốc của thị trường trong gần tám tháng đã phản ánh những tác động của các vấn đề này.

Trong khi đó, thị trường đang kỳ vọng vào những tin tức tích cực hơn trong thời gian tới. Thứ nhất là lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu chậm lại, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại hoặc có thể sớm ngừng tăng trong giai đoạn tới. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sau hai lần tăng lãi suất điều hành trong vòng một tháng, dù khả năng tăng tiếp vẫn còn nhưng mức độ có thể cũng sẽ chậm lại.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng room tín dụng còn lại của năm nay sẽ sớm được nới thêm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang bị tắc nghẽn dòng tiền có thêm kênh tiếp cận vốn kinh doanh.

Đối với những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang có những đề xuất sửa đổi Nghị định 65 để giảm bớt áp lực mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp, hoặc thành lập các quỹ bình ổn, giải cứu cho thị trường trái phiếu, cũng như không hình sự hóa các vấn đề về trái phiếu để đảm bảo tài sản dân sự sẽ có tính thanh khoản và dễ xử lý hơn.

Thực tế trong những phiên giao dịch gần đây, bên cạnh những cổ phiếu bất động sản vẫn đang tiếp tục bị bán giải chấp như NVL hay PDR, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đã phục hồi tích cực khi có những phiên tăng trần liên tiếp. Điều này cho thấy dù các nhà đầu tư có thể vẫn lo ngại một vài doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp còn lại bị bán giải chấp cổ phiếu, nhưng với một số người đó có thể là cơ hội “vợt” hàng giá rẻ khi cổ phiếu vì hiệu ứng bán giải chấp mà đã rớt về dưới giá trị thực của doanh nghiệp.

Dù vậy, một vấn đề tiêu cực phát sinh gần đây là hiện tượng dòng tiền đang rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu, do lãi suất tiết kiệm thời gian qua tăng mạnh trong khi nhà đầu tư đang rất lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo giới phân tích, do tâm lý hoang mang và không thực sự hiểu về sản phẩm cũng như danh mục chi tiết mà quỹ đang đầu tư, khách hàng bắt đầu thực hiện các lệnh bán chứng chỉ quỹ, lượng rút ngày càng nhiều lên.

Hiện tượng “fund run” đang xuất hiện, các nhà đầu tư liên tục bán chứng chỉ quỹ, khiến các quỹ trái phiếu trên thị trường sẽ phải thực hiện bán thanh lý các tài sản đầu tư trên danh mục của mình để đáp ứng thanh khoản cho khách hàng, dẫn đến giảm giá trị NAV/CCQ. Nếu các quỹ liên tục bị rút ròng, có thể dẫn đến khó khăn về thanh khoản.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-cua-phuc-hoi-dang-mo/