Chứng khoán cuối năm: Tìm cơ hội sau sóng lớn

Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn. Ngược lại, dòng tiền lại tìm đến các kênh đầu tư như chứng khoán khiến thị trường này ngày càng sôi động giữa mùa dịch. Sau những cơn sóng chứng khoán, liệu nhà đầu tư có còn cơ hội tiếp tục kiếm tiền từ danh mục các mã cổ phiếu hay không là câu hỏi được đặt ra.

Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn trong mùa cao điểm cuối năm

Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn trong mùa cao điểm cuối năm

Sau rực rỡ là ấm áp hay lạnh lẽo?

Thời gian qua, VN-Index liên tục giữ đà tăng, vượt đỉnh 1.500 điểm. Nhiều phiên, dòng tiền cuồn cuộn chảy vào thị trường, bảng giá giữ sắc tím mênh mang.

Phiên giao dịch đầu tuần này (29/11) dù diễn ra với những rung lắc mạnh bởi sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhưng thị trường vẫn chỉ giảm nhẹ 8,19 điểm (-0,55%) xuống 1.484,84 điểm. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn “nghiện” kênh này, dường như vẫn không muốn đẩy mạnh bán cổ phiếu.

Với diễn biến thị trường hiện nay, các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường ngắn hạn sẽ tiếp tục giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, tuy vậy, dòng tiền có thể sẽ dần dịch chuyển sang nhóm Bluechips.

Về khuyến nghị đầu tư thị trường này “kiếm tiền tiêu Tết”, các chuyên gia cho rằng, chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng và là kênh đầu tư được kỳ vọng sinh lời. Nguyên nhân là do dòng tiền rẻ khá nhiều, vì lãi suất thấp kích thích người ta đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, người dân coi chứng khoán là kênh đầu tư trong lúc dòng tiền nhàn rỗi chưa biết làm gì cả.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, cùng xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, TTCK Việt Nam cũng biến động khá mạnh. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam vẫn ở mức tích cực, tổng vốn hóa tăng, thanh khoản thị trường tốt, giá cả hợp lý. Với khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế khá nhanh được dự báo ở mức 6,5 - 7% giai đoạn 2021 - 2025 và khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng giai đoạn 2022 - 2023 là khá cao, kênh đầu tư này được dự báo có nhiều khả quan.

Lắm cơ hội, nhiều rủi ro với nhà đầu tư mới

Sự tăng trưởng của TTCK thời gian qua là nguyên nhân khiến số lượng nhà đầu tư mới tăng liên tục.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 10 tháng đầu năm nay lên tới 1.090.602 tài khoản, cao gấp 2,75 lần so với con số đạt được trong cả năm 2020, và thậm chí cao hơn số tài khoản mở trong 4 năm gần đây cộng lại (từ năm từ 2017 đến 2020). Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi mà đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh.

Theo ông Phan Dũng Khánh, hiện đang là Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): "Điều này khẳng định sức hút rất lớn của thị trường, tôi nghĩ từ nay đến cuối năm và sang cả năm sau nó vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất''.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, TTCK Việt Nam hiện nay cũng đang tồn tại nhiều bất ổn, khi phần lớn tham gia thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư F0. Điều này rất khác so với các thị trường phát triển khi nhà đầu tư tổ chức của họ chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều. Tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hàng cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 7 - 8% (lúc cao điểm lên đến 20 - 25%) và trong khoảng 2 năm nay thì họ bán ròng liên tục.

Ông Phan Dũng Khánh thông tin, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2021 họ đã bán ròng bằng hơn 2 năm trước cộng lại. Không chỉ vậy, nhà đầu tư tổ chức, tự doanh, các quỹ cũng đang có xu hướng bán ròng những phiên trở lại đây. Do đó, bệ đỡ lớn nhất trên thị trường hiện nay là nhà đầu tư cá nhân. Mà nhà đầu tư cá nhân thì tâm lý họ rất yếu.

“Họ ít tiền, lại vay nhiều, nếu thị trường lên thì không sao, nhưng nếu thị trường quay đầu thì có thể xảy ra hiện tượng kích hoạt các lệnh bán quá mức. Nhìn từ nay đến cuối năm, chưa nhìn thấy nguy cơ thị trường điều chỉnh mạnh. Cho đến bây giờ giãn cách xã hội đã nới lỏng nhưng tâm lý mọi người vẫn rất lo lắng, vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư khác cũng sẽ chưa thể trở lại bình thường được”- ông Khánh nhận định.

Nói về việc các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc gia tăng nhu cầu đầu tư vào TTCK là quy luật tất yếu theo sự phát triển của thị trường. Hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đang tập trung vào việc đào tạo cho nhà đầu tư để họ hiểu rằng, tham gia vào thị trường là "đầu tư chứng khoán" chứ không phải là "chơi chứng khoán". Điều này sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chung-khoan-cuoi-nam-tim-co-hoi-sau-song-lon-442299.html