Chứng khoán đón làn gió mới

Triển vọng nâng hạng, kết quả kinh doanh quý II dự báo tích cực và mặt bằng lãi suất thấp đang hỗ trợ thị trường chứng khoán khởi sắc

Thị trường chứng khoán ngày 26-5 gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi VN-Index sụt giảm hơn 20 điểm vào đầu ngày rồi bật tăng mạnh 18,05 điểm vào cuối ngày lên mức 1.332 điểm. Tổng cộng mức biến động lên tới 40 điểm chỉ trong một ngày. Sự tích cực này đến từ dòng tiền bắt đáy và thông tin tích cực sau một phát biểu về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều thông tin tích cực

Cụ thể, Tổng thống Donald Trump cho biết những chính sách thuế quan mà ông đưa ra nhằm hướng tới sản xuất những thứ lớn như thiết bị quân sự và đồ công nghệ, thay vì giày thể thao và áo phông. Điều này giúp các nhóm cổ phiếu ngành dệt may, da giày, thủy sản… bật tăng rất mạnh mẽ.

Trước đó, thị trường chứng khoán cũng từng mất 20% giá trị sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam nhưng VN-Index đã nhanh chóng phục hồi hình chữ V sau khi thuế quan được tạm hoãn. Thời điểm hiện tại, chỉ số đã vượt xa mốc cản tâm lý 1.300 điểm và thị trường đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ từ nhà đầu tư.

Các chuyên gia chứng khoán đều có những nhận định tích cực về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Ảnh: QUANG LIÊM

Các chuyên gia chứng khoán đều có những nhận định tích cực về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Ảnh: QUANG LIÊM

Phát biểu tại talkshow tài chính với chủ đề "Biến động chứng khoán nửa cuối năm 2025" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 26-5, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), phân tích yếu tố chính tác động tới thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước là động thái, thông tin về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Gần nhất, ông Trump tuyên bố có thể áp 50% thuế đối với hàng hóa từ EU, chứng khoán quốc tế ngay lập tức đỏ lửa. Nhưng một ngày sau, mức thuế này được tổng thống Mỹ thông báo hoãn lại.

Về dài hạn, chứng khoán chịu tác động của dòng tiền. Tuy nhiên, với những chính sách khó đoán của tổng thống Mỹ như hiện tại, cần xem xét dòng tiền chảy của giới đầu tư quốc tế sẽ về thị trường Mỹ hưởng lợi từ chính sách thuế quan hay chảy ngược lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam…

Một diễn biến đáng chú ý khác, lãi suất VNĐ và tỉ giá USD/VNĐ gần đây có biến động, có sức ép nhưng gần như không ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, chính tác động từ chính sách thuế quan đã lấn át yếu tố lãi suất, tỉ giá tới thị trường.

"Khi thông tin thuế quan dịu bớt, lãi suất sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Hiện tại, VN-Index tích cực nhờ lãi suất thấp và người dân tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Ở góc độ khác, dù lãi suất thấp nhưng tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh, cho thấy người dân và nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Đây chính là tiềm năng lớn cho thị trường chứng khoán sắp tới" - chuyên gia của UEH nói.

Vì sao nhà đầu tư vẫn chưa "về bờ"?

Ông Huỳnh Hữu Phước, Giám đốc Khách hàng cá nhân kiêm Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lý giải việc dù thị trường phục hồi mạnh trong hơn 1 tháng qua nhưng nhiều tài khoản nhà đầu tư vẫn bị lỗ.

Từ mức giảm của VN-Index ngày 2-4 (được gọi là "ngày thuế quan") khi chỉ số rơi từ khoảng 1.315 điểm xuống mức thấp nhất 1.097 điểm, đến nay thị trường đã hồi phục về mốc cũ. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu chưa phục hồi tương ứng. Trong rổ VN30, khoảng một nửa cổ phiếu chưa trở lại mức trước ngày 2-4; trên HoSE với hơn 600 mã cổ phiếu, hơn 60% vẫn chưa hồi phục.

Ông Phước nói thêm dù VN-Index từ đáy đầu tháng 4 đã tăng hơn 235 điểm nhưng nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE, VPL) đóng góp hơn 30% vào mức tăng này. Điều đó khiến chỉ số chung VN-Index "về mặt đất" nhưng nhiều tài khoản nhà đầu tư vẫn "lênh đênh" ngoài khơi, do sự phục hồi tập trung vào vài nhóm cổ phiếu nhất định. "Sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu khi thị trường chung phục hồi hình chữ V trong gần 2 tháng qua giải thích vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn chưa "về bờ" - chuyên gia này nói.

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán SSI, cho biết từ đầu năm đến nay, các nhóm cổ phiếu đã đóng góp khoảng 45 điểm vào đà tăng chung của thị trường, trong khi riêng họ Vingroup đã đóng góp tới 90 điểm. Đà phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu họ Vingroup được giải thích bởi kết quả kinh doanh tích cực quý I/2025, việc niêm yết cổ phiếu VPL của Vinpearl trên HoSE, cùng với tác động ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan.

Ngược lại, đa số các nhóm cổ phiếu khác như xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển do chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan nên chưa phục hồi như kỳ vọng. Ông Châu cũng nhấn mạnh mức định giá P/E của thị trường chứng khoán hiện đang thấp hơn mức trung bình 10 năm qua, cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam còn có yếu tố hỗ trợ quan trọng khác là khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào cuối năm nay.

Cửa sáng nửa cuối năm

Nhận định về biến động chứng khoán nửa cuối năm và triển vọng các nhóm ngành cổ phiếu, ông Huỳnh Hữu Phước cho rằng về mặt kỹ thuật, đáy thị trường đã được xác lập trong đợt sụt giảm đầu tháng 4. VN-Index sau đó tiếp tục kiểm tra "đáy" lần 2, giảm xuống khoảng 1.130 điểm rồi phục hồi nhanh theo hình chữ V. Do đó, từ nay đến ngày 8-7, khi có thông tin chính thức về mức thuế quan sau đàm phán, thị trường đã phản ánh hết vào giá.

Ông Phước dự báo từ nay đến cuối năm, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.040 - 1.380 điểm, còn lại là phản ứng của thị trường. Với kết quả kinh doanh quý I/2025 tăng trưởng tích cực và dự báo quý II tiếp tục khả quan dựa trên nền thấp cùng kỳ năm trước, các đơn hàng xuất khẩu tháng 4 và 5 sẽ đẩy mạnh để tranh thủ trước khi áp thuế. Theo ông, rủi ro lớn nhất đã lộ diện, còn câu chuyện kỳ vọng thì vẫn tích cực.

Ông Đào Minh Châu cho rằng sau giai đoạn phục hồi trên 20%, với nhiều cổ phiếu tăng mạnh 40%-50%, thậm chí gấp đôi, VN-Index cần thời gian để chững lại và tích lũy. Thị trường có thể rung lắc trong 1-2 tháng tới do những thông tin bất định liên quan chính sách thuế quan Mỹ và nguy cơ suy thoái một số nền kinh tế thế giới. "Tuy nhiên, nếu có rung lắc cũng không quá đáng lo, bởi cú sập tháng 4-2025 đã phản ánh phần lớn thông tin thuế quan, các doanh nghiệp cũng có thời gian chuẩn bị ứng phó" - ông Châu nói.

Chuyên gia SSI và VDSC cho rằng hiện có nhiều cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, dầu khí và phân bón.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chung-khoan-don-lan-gio-moi-196250526213750166.htm