Nhà đầu tư 'vừa đánh, vừa lo'
Gần đây, từ khóa 'phân hóa' được NĐT tư trên thị trường chứng khoán nhắc đến nhiều trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Chính sự không rõ ràng này khiến cho nhiều NĐT vừa đầu tư, vừa ngóng kết quả đàm phán.

Thị trường phân hóa
Chính sách thuế quan mà Mỹ công bố vào đầu tháng 4 đã khiến TTCK toàn cầu chao đảo và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. VN Index ghi nhận những phiên giảm sàn liên tục trong tháng 4. Trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ vẫn chưa thật sự rõ ràng, từ khóa “phân hóa” được NĐT nhắc đến nhiều.
Theo đó, nhóm cổ phiếu (CP) ngành liên quan đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ như dệt may, thủy sản, cao su bị tác động tiêu cực nhất. Kế đến là nhóm bất động sản khu công nghiệp chịu tác động do yếu tố dịch chuyển dòng vốn FDI. Tuy nhiên, nhóm bất động sản phân hóa mạnh với sắc xanh được duy trì nhờ sự bùng nổ của nhóm CP họ Vingroup.
Theo thống kê, trong quý I vừa qua, mức tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết là thấp nhất trong 6 quý gần nhất. Điều này phản ánh sự khó khăn tương đối của DN trước câu chuyện thuế quan. Về thuế quan, thời gian đáng sợ nhất lại là khi chờ đợi.
Trong quý I vừa qua, các DN chờ đợi về tác động thuế quan, nên kết quả kinh doanh cũng không được quá tích cực. Nhìn lại, những nhóm ngành phi tài chính ghi nhận lợi nhuận đi xuống, trong khi nhóm tài chính, ngành CK báo lãi giảm, còn ngân hàng đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, vẫn có một số kết quả tốt. Chẳng hạn, ngành vận tải, khi bị áp thuế được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng mạnh, nhưng nhờ giai đoạn tạm hoãn áp thuế 90 ngày, DN vận tải lại tích cực trong tháng 4. Nhóm ngành đáng chú ý nhất là nhóm ngân hàng.
Theo ghi nhận, tín dụng ghi nhận tăng trưởng 18,44% so với cùng kỳ, cho thấy ngân hàng là CP then chốt của thị trường, chiếm khoảng 50% giá trị VN Index. Hay nhóm bất động sản như VHM, NLG, KDH đều có kết quả kinh doanh tích cực. Những câu chuyện đó cho thấy thị trường sẽ phân hóa, nhưng kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục tích cực, cải thiện trong quý sau.
NĐT cần làm gì?
Đây là câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra trong bối cảnh hiện nay là Việt Nam sẽ có thỏa thuận với mức thuế quan như thế nào trong vòng đàm phán? Tuy nhiên, có điều chắc chắn là khi câu chuyện thuế quan đã qua, thị trường sẽ lại tích cực. Nếu kỳ vọng thuế quan không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh kinh tế thì NĐT có thể sử dụng nhịp điều chỉnh hiện nay để mua vào CP không bị tác động bởi thuế quan.
Sau khi Mỹ đưa ra thỏa thuận “hòa hoãn” với mức thuế lên Trung Quốc giảm về 30%, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng kịch bản xấu nhất với Việt Nam cũng chỉ là gần 30%, khá sát với kỳ vọng của thị trường (từ 22-26%). Đây cũng là kịch bản đã được kỳ vọng từ đầu năm, trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 46%. Hiện tại, thị trường đã sẵn sàng cho kịch bản thuế quan khoảng hơn 20%.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc kinh doanh số của VPBankS, từ câu chuyện của Mỹ và Trung Quốc, có thể đưa ra một số nhận định về Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Thứ nhất, kịch bản thuế quan cao sẽ không xảy ra và mức thuế 30% sẽ là cao nhất mà Mỹ có thể áp lên đối tác thương mại. Việt Nam rất tích cực đàm phán, nên có thể kỳ vọng mức thuế chỉ hơn 20%.
Thứ hai, khi kịch bản thuế quan xảy ra, sẽ không có sự thay đổi về chuỗi cung ứng. Gần đây, CP bất động sản công nghiệp đã hồi phục lại rất nhanh, bởi lẽ kịch bản chuỗi cung ứng tê liệt, FDI suy giảm sẽ rất khó xảy ra. Có thể FDI không tăng mạnh như thời kỳ Trung Quốc+1 trong vài năm gần đây, nhưng sức mạnh của nền kinh tế vẫn sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài.
Thứ ba, giai đoạn thị trường cùng lên xuống theo nỗi lo về rủi ro vĩ mô chung đã qua.
“Trên cơ sở vĩ mô Việt Nam tốt hơn phần lớn quốc gia trên thế giới nhờ nợ công thấp, gỡ bỏ rào cản, thuế quan không quá xấu, chính sách tiền tệ nới lỏng… và rủi ro hạn chế thì 6 tháng cuối năm sẽ thực sự tích cực. Những NĐT đã trung thành với thị trường trong 2 năm khó khăn vừa qua có thể nhận quả ngọt vào năm nay” - ông Nguyễn Việt Đức nhận định.
Kịch bản cho TTCK
Theo báo cáo chiến lược thị trường vừa được Maybank Investment Bank (MSVN) công bố, nội lực vững vàng sẽ giúp cho Việt Nam giảm thiểu tác động của thuế quan. Theo đó, triển vọng đàm phán thương mại Việt - Mỹ ngày càng rõ nét, các yếu tố ngoại lực tiêu cực sẽ dần hạ nhiệt và gặp đối trọng từ quyết tâm hỗ trợ của Chính phủ cũng như năng lực xoay chuyển linh hoạt của khối DN niêm yết.
Từ đó, MSVN điều chỉnh tăng 5-10% dự báo lợi nhuận toàn thị trường và mục tiêu chỉ số VN Index cuối năm và tiếp tục tập trung vào các CP trả cổ tức cao, những ngành có nhu cầu dài hạn ổn định như công nghệ thông tin, logistics, và ngành hưởng lợi từ chính sách như bất động sản nhà ở.
Với việc nâng 5-10% dự báo lợi nhuận năm 2025, MSVN cũng điều chỉnh tăng mục tiêu VN Index cuối năm lên 1.300 điểm (kịch bản cơ sở), 1.500 điểm (kịch bản tốt nhất) và 1.050 điểm (kịch bản xấu nhất). Về chiến lược đầu tư, MSVN tiếp tục ưu tiên các mã trả cổ tức cao, các ngành có cầu bền vững (công nghệ thông tin, logistics hàng không), và các ngành được hỗ trợ từ chính sách như bất động sản nhà ở.
Theo các chuyên gia của VDSC, trong ngắn hạn, việc giao dịch vẫn sẽ thuận lợi. Điều được củng cố bởi kết quả kinh doanh khả quan, và thanh khoản tốt. Tuy nhiên, NĐT cũng cần chú ý đến những rủi ro bất ngờ từ kết quả đàm phán thuế quan.
Các biện pháp gia tăng sức mua, hoặc mở vị thế phòng ngừa rủi ro bằng hợp đồng tương lai có thể được cân nhắc vào các thời điểm trước khi các sự kiện trọng yếu diễn ra nhằm giảm thiểu mức tổn hại cho danh mục.
Với việc là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là sự phụ thuộc của Việt Nam vào Mỹ ở khía cạnh xuất khẩu và Trung Quốc ở khía cạnh nhập khẩu. Do vậy, các tác động về cú sốc thuế quan đối với thương mại toàn cầu đều sẽ tạo ra thách thức đối với tham vọng tăng trưởng cao trong năm nay, đặc biệt là nửa sau 2025.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nha-dau-tu-vua-danh-vua-lo-post123003.html