Chứng khoán Đông Nam Á đã đến lúc tỏa sáng?
Cổ phiếu của các công ty ở Đông Nam Á, vốn bị vùi dập tơi tả do lệnh phong tỏa ngành du lịch và các ngành công nghiệp dịch vụ khác, đang tỏa sáng trở lại khi giới đầu tư nước ngoài xoay vòng dòng tiền, đặt cược vào triển vọng phục hồi nhanh chóng của khu vực này.
Việc giới đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu Đông Nam Á là một phần của chiến lược xoay vòng rút tiền ra khỏi các ngành tăng trưởng bùng nổ trong thời gian qua để rót vào các ngành giá trị sau khi hãng dược Pfizer công bố kết quả thử nghiệm tích cực của vaccine Covid-19.
Chỉ số MSCI Asean, nơi quy tụ 164 cổ phiếu tiêu biểu có vốn hóa vừa và lớn ở sáu thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, tăng vọt 14% trong chuỗi tăng điểm liên tục trong tám ngày qua.
Tốc độ tăng điểm này cao gần gấp đôi so với mức tăng 7,4% của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương trong cùng thời gian.
Tuy vậy, so với mức điểm cao nhất trong tháng 3, chỉ số MSCI Asean chỉ mới thu hẹp khoảng cách so với các chỉ số khác và vẫn còn thấp hơn 14% so với hồi đầu năm.
Các chính phủ khắp khu vực Đông Nam Á đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Singapore và Hồng Kông thông báo bắt đầu từ ngày 22-11 sẽ bắt đầu triển khai ‘bong bóng du lịch’ bằng đường hàng không, sử dụng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để thay thế cho cách ly bắt buộc.
Tại buổi họp báo hôm 11-11, Leon Goldfeld, Giám đốc giải pháp đầu tư đa tài sản phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Công ty quản lý quản lý tài sản JPMorgan Asset Management, nói: “Tin tốt về vaccine Covid-19 hứa hẹn mở cửa các ngành đang chịu áp lực lớn như hàng không và khách sạn.
Chúng tôi đang nhận thấy một sự quay vòng đầu tư lớn từ trên thị trường từ tăng trưởng sang giá trị”. Ông cho rằng đợt quay vòng này có thể kéo dài từ 3-6 tháng, do vậy, các thị trường giá trị còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Theo nhận định của Devendra Joshi, Giám đốc chiến lược cổ phần phụ trách các thị trường ASEAN và cận biên ở Ngân hàng HSBC, thời cơ đã chín muồi cho sự trỗi dậy của cổ phiếu Đông Nam Á giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp ở khu vực nay đã chạm đáy và bắt đầu bật lên.
Các nhà phân tích của HSBC khuyến nghị giới đầu tư tăng tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu của Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 10-11, Joshi viết: “Các hoạt động kinh doanh ở ASEAN đã cải thiện đáng kể từ khi rơi vùng trũng thấp nhất (do tác động của dịch bệnh), thể hiện qua sự phục hồi của các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất và hoạt động đi lại trong khu vực”.
Ông cho biết trong số 1/3 số công ty trong chỉ số MSCI Asean đã công bố báo cáo quí 3, có 60% có kết quả kinh doanh đáp ứng hoặc vượt mức kỳ vọng. Tỷ lệ này cao hơn hai quí đầu năm năm.
Trong một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy dòng tiền đang đổ vào các cổ phiếu Đông Nam Á, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 600 triệu đô la (13.900 tỉ đồng VN) trên thị trường chứng khoán Thái Lan hôm 10-11, giúp chỉ số SET tăng mạnh nhất kể từ tháng 4. Đây là mua ròng cao nhất của giới đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Thái Lan trong 10 năm qua.
Thị trường cổ phiếu ở xứ sở chùa vàng đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau khi suy giảm nặng nề do cơn suy thoái của ngành du lịch và làn sóng biểu tình chống chính phủ trong những tháng qua. Các nhà phân tích ở Ngân hàng Credit Suisse khuyến nghị giới đầu tư tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Thái Lan trong danh sách mục đầu tư của họ vị họ dự báo ngành du lịch của nước này đứng trước cơ hội phục hồi nhanh chóng nhờ tiến triển vượt mong đợi của vaccine Covid-19.
Tuần trước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang mua ròng 115,14 triệu ringgit (646 tỉ đồng VN) trên thị trường chứng khoán Malaysia sau bảy tuần bán ròng liên tiếp.
Niall MacLeod, nhà chiến lược ở Công ty môi giới và ngân hàng đầu tư UBS Securities, cho rằng cổ phiếu Đông Nam Á rốt cục đã phản ứng tích cực với triển vọng vaccine Covid-19 sau khi bỏ lỡ các sóng tăng giá trước đây về chủ đề này. Theo ông, đó là lý do giá cổ phiếu Đông Nam Á ít nhất sẽ tăng trưởng tốt hơn so với cổ phiếu ở các nền kinh tế lớn hơn trong khu vực như Trung Quốc.
Adrian Zuercher, Giám đốc phân bổ tài sản toàn cầu của Công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, dự báo chỉ số MSCI Asean sẽ tăng trưởng 10% vào năm tới.
Sukumar Rajah, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư phụ trách các thị trường mới nổi ở Công ty đầu tư Franklin Templeton, nhận định: “Trong ngắn hạn, mức các định giá của cổ phiếu Đông Nam Á đang rất hấp dẫn vào thời điểm hiện tại và nhiều nền kinh tế Đông Nam Á đang bắt đầu chứng kiến sự cải thiện ở thời kỳ hậu Covid”.
Theo Bloomberg
Lê Linh