Chứng khoán: Dòng tiền rút lui, nhưng không rời bỏ
Dòng tiền đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu không ngủ yên. Mỗi khi có biến động, dòng tiền cũng chuyển động mạnh, nhưng không rời bỏ lĩnh vực đầy cơ hội này.
Tiền rút lui khỏi thị trường mới nổi
Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã giảm 11,8% kể từ mức đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 4/2019. Theo số liệu từ Viện Tài chính quốc tế (Institute of International Fianance), 6,8 tỷ USD được rút ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu khu vực thị trường mới nổi trong tuần từ 5/8 - 9/8, mức nhanh nhất kể từ năm 2015. Trong đó, khoảng 2 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi và tạo tác động lan tỏa. “Thị trường Trung Quốc càng dễ tổn thương thì mối lo ngại về các thị trường mới nổi càng lớn, bởi đa phần các thị trường mới nổi xuất khẩu lượng lớn hàng hóa tới Trung Quốc, không phải tới Mỹ.
Trong ngắn tới trung hạn, bất kỳ nhà đầu tư nào rót tiền vào khu vực này đều phải cẩn thận với ngọn lửa chiến tranh. Ðây rõ ràng là một môi trường đầu tư với rủi ro cao”, Joseph Quinlan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của Merrill và Bank of American Private Bank cho biết.
Thực tế, 3 quỹ ETF lớn nhất đầu tư vào khu vực thị trường mới nổi là VWO, EEM và IEMG đã chứng kiến lượng tiền đổ vào giảm kể từ tháng 2/2019 cho tới nay (xem bảng).
Một vấn đề khác của các thị trường mới nổi là việc đồng USD đang phô diễn sức mạnh. Các quốc gia mới nổi sở hữu nhiều khoản nợ bằng USD, vì vậy đồng bạc xanh càng mạnh thì vị thế của khu vực này càng yếu. Chưa kể, việc Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ rớt giá dẫn tới mối lo hàng loạt nền kinh tế đang phát triển khác sẽ nới lỏng tiền tệ hoặc điều chỉnh giá trị nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.
Trong tương lai, giới chuyên gia cho rằng, xung đột thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Diễn biến này kéo lùi đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các quốc gia ít có dư địa điều chỉnh tiền tệ và đang áp dụng sẵn chính sách nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.
“Việc dòng tiền chảy ra khỏi thị trường mới nổi nhiều khả năng sẽ còn tệ hơn. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ tiếp tục yếu đi và các thị trường mới nổi sẽ không thể phô diễn sức mạnh trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục tỏa sức nóng”. Sameer Samara, Chiến lược gia cấp cao thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cho biết.
Tương tự với các thị trường mới nổi, một số thị trường cận biên trong đó có Việt Nam cũng chứng kiến dòng tiền khối ngoại rút lui khỏi thị trường. Theo số liệu mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong khoảng thời gian 1/8 - 15/8 đạt 1.613,5 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ đầu năm 2019.
Dù tính chung kể từ đầu năm tới nửa đầu tháng 8, khối ngoại vẫn đang giữ vị thế mua ròng với giá trị đạt gần 8.300 tỷ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì con số này chỉ bằng gần 28%.
Khối ngoại vẫn chờ đợi cơ hội vào Việt Nam
Dòng tiền đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu không ngủ yên, một khi có biến động, dòng chảy này có thể quay đầu nhưng không rời bỏ. Thực tế này đang được chứng minh tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài đang “nhún vai” trước những áp lực tới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng vẫn và đặt niềm tin vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như kế hoạch bán cổ phần, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Tôi không thay đổi quan điểm của mình. Chúng tôi đầu tư vào một quốc gia và điều này đòi hỏi cái nhìn trong dài hạn”, Federico Parenti, nhà quản lý khối tài sản 3 tỷ USD tại Quỹ đầu tư Sempione Sim (Milan) cho biết. Cổ phiếu Vinamilk và Sabeco nằm trong danh mục đầu tư của Quỹ này.
Trong 12 tháng tính tới ngày 14/8/2019, nhà đầu tư nước ngoài đã rót 843 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay cả khi chỉ số VN-Index giảm 0,9% trong giai đoạn này.
Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng 9,7%, mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường Ðông Nam Á và vượt trên 0,8% so với chỉ số MSCI AC ASEAN. Bối cảnh TTCK Việt Nam như vậy và nhiều đợt thoái vốn DNNN sẽ phải thực hiện trong thời gian tới mở là những yếu tố được kỳ vọng sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Nếu như năm 2018, các hoạt động IPO tại Việt Nam ghi nhận giá trị lên đến 5,09 tỷ USD, thì 6 tháng đầu năm nay, hoạt động IPO mới thu hút khoảng 5,16 nghìn tỷ đồng (222 triệu USD). Môi trường đầu tư được cải thiện, cùng với việc nền kinh tế tăng trưởng trên 6% mỗi năm là “chỉ dẫn cho thấy một thị trường vốn còn nhiều hấp dẫn”, Mark Mobius, người điều hành Mobius Capital Partners LLP nhận định.