Chứng khoán giảm mạnh và sự lên ngôi của đô la Mỹ
Đúng với nhận định 'nếu tiền mặt là vua, thì đồng đô la là vua của toàn thế giới', khi tất cả các tài sản đều giảm giá, nắm giữ đồng đô la trở thành lựa chọn được giới đầu tư ưa thích nhất.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có phiên đỏ lửa ngay từ đầu khi đối mặt với những diễn biến phức tạp của Covid-19. Trạng thái báo động trên toàn nước Mỹ và châu Âu biến nỗ lực cắt giảm lãi suất của FED như ‘muối bỏ bể’.
Tại Mỹ chỉ số Dow Jones có lúc thủng mốc 19.000 điểm khi "bốc hơi" hơn 10% và một lần nữa lại "ngắt cầu chì" – hệ thống tạm ngắt giao dịch theo cơ chế tự động khi giảm quá sâu.
Sự hồi phục ở cuối phiên giúp Dow Jones mất đi 1.338,46 điểm (tương đương 6,3%) còn 19.898,92 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này mất mốc 20.000 điểm kể từ tháng 2/2017.
Chỉ số S&P 500 giảm 5,2% xuống 2.398,10 điểm. Tính toán cho thấy, chỉ số này đã "bốc hơi" tới gần 30% so với mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng trước. Chỉ số Nasdaq giảm 344,94 điểm, tương đương 4,7%, xuống 6.989,84 điểm.
Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã ra quyết định tạm thời đóng cửa kể từ ngày 23/3 và hoàn toàn chuyển sang giao dịch điện tử sau khi có 2 nhân viên được thông báo nhiễm Covid-19. Đây là lần đầu tiên hoạt động giao dịch vật lý tại Big Board - biệt danh của sàn NYSE - tạm ngưng trong khi giao dịch điện tử vẫn tiếp diễn.
Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 của Mỹ đã vượt 5.200, trong khi số người chết đã lên con số 94. Trong một động thái gần đây, Bộ Tài chính Mỹ đang đề xuất 2 đợt "trợ cấp" trực tiếp cho người dân với tổng trị giá 250 tỷ USD. Các khoản "trợ cấp" dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 6/4 tới.
Bên cạnh giá cổ phiếu, giá dầu cũng giảm rất mạnh. Dầu thô Mỹ WTI hiện mất gần 12%, về 24,15 USD một thùng – thấp nhất 18 năm. Dầu Brent giảm 6% về 26,96 USD.
Dầu thô hiện chịu sức ép cả về cung và cầu. Nhu cầu đi lại và hoạt động kinh doanh trên thế giới sụt giảm khiến tiêu thụ dầu giảm sút. Cuộc chiến giành thị phần thông qua tăng sản xuất giữa Saudi Arabia và Nga lại kéo dư cung lên cao.
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các tài sản đều mất giá, bao gồm cả vàng, thì đồng đô la Mỹ lại vọt tăng mạnh. Chỉ số DXY Index, thước đo của đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền chính khác đã tăng 0,4% lên mức 101,5 điểm. Đúng với nhận định ‘nếu tiền mặt là vua, thì đồng đô la là vua của toàn thế giới’, khi tất cả các tài sản đều giảm giá, nắm giữ đồng đô la trở thành lựa chọn được giới đầu tư ưa thích nhất.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế phân tích việc một đồng đô la Mỹ mạnh lên trong khi các đồng tiền khác yếu đi rõ rệt sẽ càng khiến thị trường rơi vào vòng luẩn quẩn khủng hoảng khi các khoản nợ hầu hết đều được tính bằng đồng đô la.
Tại châu Á, thị trường cũng không khá hơn khi diễn biến theo chiều của chứng khoán Mỹ. MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 3,2% trong phiên chiều 18/3 xuống thấp nhất kể từ cuối năm 2016, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều đảo chiều và giảm điểm.Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Australia với ASX 200 giảm 6,4%. Thị trường Hàn Quốc giảm mạnh thứ 2 với Kospi mất 4,8%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1,8% và 1,5%. Hang Seng Index của Hong Kong mất gần 1.000 điểm, tương đương giảm 4,2%.
Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 220.000 bị nhiễm bệnh và gần 9.000 người tử vong, theo Worldometer. Trong đó, dịch bệnh đang lây lan mạnh ở khu vực châu Âu dù các chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp giới nghiêm.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng có một phiên lao dốc. Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán bị đẩy lên mức cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc, trong đó, các mã như VHM, VIC, HDB, VPB, VRE, VNM...đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VHM giảm 6,2%, VIC 6,1%, HDB giảm 6,1%, VPB giảm 6%, VNM giảm 5,4%. Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục lao dốc mạnh do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thế giới, PVGas giảm 4,8%, PVDrilling giảm 6%
Có thời điểm, VNIndex thủng ngưỡng 720 điểm. Trước tình hình hàng loạt cổ phiếu giảm điểm, nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo ồ ạt mua cổ phiếu để đỡ giá.
Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) thông qua việc mua lại tối đa 14,67 triệu cổ phiếu quỹ. Giá mua không vượt qua 25.000 đồng mỗi cổ phần, cao hơn 19% so với giá chốt phiên gần nhất cổ phiếu CII.
Công ty Fecon (FCN) cũng thông qua việc mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% số cổ phiếu đang lưu hành. Công ty Vicostone (VCS) lên kế hoạch mua lại tối đa 4,8 triệu cổ phiếu quỹ (3% cổ phiếu đang lưu hành). Cổ phiếu FCN và VCS đều giảm trên 20% từ đầu năm.
Trong khi đó, 4 nhân sự quản lý của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã đăng ký mua tổng cộng gần 500.000 cổ phiếu. Thị giá MWG đã mất hơn 30% so với đầu năm và giảm gần 40% kể từ vùng đỉnh tháng 9/2019.
Trước đó, Masan Consumer, PAN, TPBank cũng có kế hoạch mua lại hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu quỹ. Tại Tập đoàn Hòa Phát, con trai ông Trần Đình Long cũng đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu.
Đến phiên chiều, VNIndex lấy lại được mốc 720 điểm khi thị trường đón dòng tiền chảy vào. Mặc dù vậy, bên bán vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Kết thúc phiên, VNIndex giảm gần 22 điểm, về mức 726 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 4.218 tỷ đồng.
Hôm nay, ước tính nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 471 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng liên tục 28 phiên, với giá trị bán ròng, với giá trị bán ròng đến nay đã hơn 7.000 tỷ đồng.