Chứng khoán kém sôi động đầu năm mới: Tín hiệu quan ngại cho các nhà đầu tư?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần giao dịch kém sôi động. Sự ảm đạm của thanh khoản thấp và áp lực bán gia tăng đã làm nên tâm lí đáng quan ngại cho các nhà đầu tư.

Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nhờ chính sách linh hoạt của Chính phủ và sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số chứng khoán có xu hướng tăng, đặc biệt ở một số ngành trọng điểm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cùng ảnh hưởng từ yếu tố quốc tế như lãi suất FED và tỷ giá vẫn tạo áp lực lên thanh khoản. Dòng vốn ngoại tiếp tục là điểm sáng, góp phần củng cố niềm tin cho sự phát triển bền vững của thị trường.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tổng kết tuần thứ hai của năm mới 2025, chỉ số VN-Index giảm mạnh trong phiên cuối ngày 10/1, lùi về dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.240 điểm. Cụ thể, VN-Index giảm 24,11 điểm; HNX-Index giảm 6,16 điểm xuống còn 219,49 điểm. Một số cổ phiếu như BID, SSB, CTG, SJS, NAB tăng nhẹ, nhưng phần lớn các mã khác giảm sâu. Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ, đã ảnh hưởng ít nhiều đến “hầu bao” của nhà đầu tư.

Đặc biệt, phiên giao dịch cuối tuần 10/1 chứng kiến mức giảm mạnh nhất của VN-Index kể từ tháng 8/2024, nhưng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Điều này phản ánh dòng tiền vào thị trường tiếp tục suy yếu, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại và tạm dừng giao dịch.

Trong nước, thị trường bước vào giai đoạn thiếu vắng các báo cáo tài chính quan trọng cũng như tin tức từ các doanh nghiệp niêm yết,... cộng thêm việc nhiều nhà đầu tư quan ngại, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDIRECT, nhà đầu tư cần thận trọng nhưng không nên bán tháo khi VN-Index đã lùi về gần vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm. Ông khuyến nghị theo dõi diễn biến cung cầu tại vùng này và nếu xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật, có thể cân nhắc hạ tỷ trọng margin và đưa danh mục về mức an toàn.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 1.080 tỷ đồng trên sàn HOSE, tạo thêm áp lực lên thị trường. Ông Hinh nhận định rằng những lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vượt 4,7% đã làm gia tăng tâm lý thận trọng. Đồng thời, chỉ số đồng USD (DXY) tăng trở lại vùng đỉnh cũ trên 109 cũng là yếu tố khiến dòng vốn toàn cầu trở nên dè dặt hơn.

Từ những dấu hiệu đó, ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng phân tích tại Công ty Chứng khoán BETA đã phát biểu chiến lược đầu tư trong tuần tới. Ông cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động khó lường với áp lực điều chỉnh giảm ngắn hạn và thanh khoản thấp. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin). Đối với nhà đầu tư dài hạn, các nhịp điều chỉnh hiện tại có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng khả quan. Ông Phụng nhấn mạnh rằng cần theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô và chính sách thương mại của Mỹ để đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào những ngày đầu năm 2025 với nhiều dấu hiệu bất ổn, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố vĩ mô và biến động quốc tế. Dù có những áp lực ngắn hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt khi các nhịp điều chỉnh có thể mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn.

Trong bối cảnh này, sự bình tĩnh và chiến lược đầu tư thông minh sẽ là chìa khóa để vượt qua giai đoạn khó khăn và chuẩn bị cho sự hồi phục trong thời gian tới. Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, cũng như xu hướng dòng vốn ngoại để đưa ra các quyết định phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Thanh Ngân

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chung-khoan-kem-soi-dong-dau-nam-moi-tin-hieu-quan-ngai-cho-cac-nha-dau-tu-d55156.html