Chứng khoán không dành cho nhà đầu tư tay ngang: Cú sốc của nhà đầu tư F0

Giá của nhiều cổ phiếu tăng chóng mặt đã lôi kéo nhiều nhà đầu tư mới (F0) nhảy vào thị trường chứng khoán, nhưng khi giá bắt đầu giảm, các nhà đầu tư F0 mới nhận ra rằng, thị trường này không dành cho 'tay mơ'.

Mua đỉnh, bán đáy

Sau khi bất ngờ thắng lớn với khoản đầu tư đầu tiên vào cổ phiếu (CP) một công ty trong ngành thép, anh Minh - người vừa chuyển từ lĩnh vực bất động sản sang đầu tư chứng khoán (CK) - nhắm đến CP của Công ty CK V., bấy giờ đang có giá khoảng 40.000 đồng/CP. Theo thông tin mà anh Minh nhận được từ người bạn, công ty CK này sắp công bố tờ trình đại hội cổ đông với kế hoạch kinh doanh năm 2021 tăng trưởng mạnh, nhiều khả năng giá CP sẽ lên trên 50.000 đồng/CP.

Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư mới cần học, trau dồi kiến thức tài chính trước khi tham gia đầu tư - Ảnh: D.Đ.Minh

Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư mới cần học, trau dồi kiến thức tài chính trước khi tham gia đầu tư - Ảnh: D.Đ.Minh

CP của Công ty V. đã có vài phiên tăng trần trước đó nhưng anh Minh vẫn tự tin vay thêm tiền từ công ty CK theo diện giao dịch ký quỹ để đặt lệnh mua 25.000 CP trong phiên ngày 15/3 với giá 41.500 đồng/CP. Sau khi tin nhắn điện thoại báo lệnh mua đã khớp, anh Minh tắt bảng điện, đi làm việc khác. Không lâu sau đó, CP V. bất ngờ quay đầu giảm giá mạnh, lệnh bán với số lượng lớn liên tục được đẩy lên sàn. Chuỗi giảm của CP V. kéo dài cho đến phiên ngày 25/3, giá chỉ còn hơn 30.000 đồng/CP.

Với 25.000 CP đang nắm giữ, anh Minh đành phải bán cắt lỗ hơn 260 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi anh Minh bán cắt lỗ trong phiên buổi sáng với giá 31.000 đồng/CP thì vào phiên giao dịch chiều, giá CP Công ty V. bất ngờ đảo chiều tăng lại, lên gần 34.000 đồng/CP. Nhìn tài khoản “bốc hơi” mạnh chỉ sau một quyết định mua đỉnh, bán đáy, anh Minh đau lòng nói: “Học phí CK chỉ trong vòng mười ngày vừa qua là quá cao”.

Với đa phần nhà đầu tư F0, việc VN-Index tái lập đỉnh 1.200 điểm ở phiên giao dịch ngày 18/3 chính là động lực để họ bỏ thêm tiền vào tài khoản với hy vọng thị trường CK sẽ sáng sủa hơn. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư “già rơ” thì 1.200 điểm chính là mốc để họ bung hàng chốt lời, còn những nhà đầu tư F0 gánh chịu thiệt hại.

Cú sốc thị trường sau khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm cộng thêm những phiên lao dốc trước đó do ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà đầu tư F0 bắt đầu biết sợ. Một nhà đầu tư tên Lan cho biết, sau khi thắng hơn 10 triệu đồng nhờ “lướt sóng” một số mã CP bất động sản, chị phải nếm trái đắng, tài khoản “bốc hơi” hơn 30 triệu đồng. “Sau vài lần thắng, tưởng dễ ăn nhưng giờ thì tôi rút hết số tiền còn lại gửi tiết kiệm cho lành” - chị Lan chia sẻ.

Theo anh Trung - nhân viên môi giới CK - số nhà đầu tư mở tài khoản mới giảm mạnh trong nửa tháng trở lại đây. Nhiều nhà đầu tư F0 bắt đầu rút số vốn ít ỏi còn lại, không đầu tư nữa do thua lỗ nặng; số còn lại cũng không còn tự tin như trước, rất thận trọng mỗi khi cần quyết định mua hay bán CP.

Sân chơi không dành cho số đông

Nhiều chuyên gia CK nhận định, thị trường CK thời gian qua tăng trưởng quá nóng, ẩn chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, họ không đưa ra cảnh báo do lo ngại phản ứng của các nhà đầu tư F0. Một chuyên gia CK cho biết: “Khi tôi cảnh báo về khả năng giá CP giảm do đã tăng quá nóng, rất nhiều nhà đầu tư F0 đã dẫn lại cảnh báo của tôi kèm lời mỉa mai, kiểu như “theo lời một chuyên gia vừa bị mất hàng”. Tâm lý cho rằng CK ngon ăn, dễ kiếm lời… đã khiến họ bỏ ngoài tai các cảnh báo, mất đi sự điềm tĩnh, thận trọng cần có của nhà đầu tư thực sự”.

Tiến sĩ, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phân tích: “Các phiên giao dịch có tổng trị giá đạt trên 10.000 tỷ đồng (gấp năm lần bình quân 5 năm qua) khiến mọi người hào hứng lao vào thị trường CK. Tuy nhiên, khi giá CP tăng mạnh thì chỉ số thị giá/thu nhập (P/E) cũng lên cao. P/E trung bình từ khoảng 11 lần hồi đầu tháng 4/2020 đã tăng lên hơn 18 lần vào cuối năm 2020. Đây là mức khá cao so với bình quân 5 năm (khoảng 15 lần). Nếu VN-Index vẫn tăng thì P/E chung có thể lên đến mức 20 lần, tương tự năm 2007. Với mức này, thị trường sẽ là cực nóng và đầy rủi ro”.

Các chuyên gia CK phân tích, nhà đầu tư F0 là tâm điểm của thị trường, là động lực chính giúp thị trường CK tăng điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Dù vậy, năm nay được dự báo sẽ không dễ dàng cho nhà đầu tư F0, nhất là khi các kênh đầu tư khác như bất động sản có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, hút bớt tiền ra khỏi thị trường CK.

Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CK Maybank Kim Eng (MBKE) - những nhà đầu tư chuyên nghiệp đều điềm tĩnh, thành công của họ luôn được đo bằng nhiều năm kinh doanh ổn định. Không ít doanh nghiệp niêm yết dùng tiểu xảo đẩy giá CP lên cao, thậm chí có thể gấp hàng chục lần so với giá trị thực. Đó là những cạm bẫy mà nhà đầu tư F0 khó nhận ra và dễ dàng sụp hố. Vì vậy, các nhà đầu tư F0 cần ưu tiên trau dồi kiến thức, đầu tư từng bước để có trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng để dần trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, từ đó mới hy vọng kiếm được lợi nhuận từ thị trường CK.

Lời khuyên của các chuyên gia: Muốn “chơi” chứng khoán, phải có kiến thức

“Có hai trường phái đầu tư CK: một là đầu tư nắm giữ trung và dài hạn để hưởng cổ tức và giá trị CP ngày càng tăng theo thời gian; hai là “lướt sóng” để hưởng chênh lệch giá, không quan tâm nhiều đến thời gian nắm giữ. Hiện các nhà đầu tư trẻ, mới, có khuynh hướng chọn “lướt sóng” để kiếm lời, mua bán theo các thông tin rỉ tai nhau và thường thua nhiều hơn thắng.

Các nhà đầu tư cần lưu ý, đang có nhiều công ty môi giới gọi điện thoại mời chào đầu tư lướt sóng CP ở thị trường quốc tế, phái sinh, hứa hẹn tỷ suất sinh lời cao. Những công ty mời chào kiểu này thường là công ty nhỏ, không tên tuổi, có khuynh hướng giống đa cấp và không loại trừ yếu tố lừa đảo. Những bạn trẻ khi mới tham gia thị trường CK cần tìm hiểu đâu là thị trường chính thống và đâu là thị trường không hợp pháp; chỉ nên chọn thị trường chính thống vì nó đảm bảo tính minh bạch, được các cơ quan quản lý bảo vệ.

Mọi nhà đầu tư nên học cách đọc các báo cáo tài chính, cách thức giao dịch của thị trường vốn, tiền tệ, những biến động về chính sách lãi suất không chỉ trong nước mà của cả thế giới, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), các gói định lượng tài chính ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Những chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường CK thế giới mà còn ảnh hưởng đến thị trường CK Việt Nam.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải học về phương pháp phân tích kỹ thuật để xem các đồ thị, các chỉ báo. Bất cứ biến động nào về chính sách, môi trường kinh doanh cũng có thể khiến thị trường biến động theo hướng tích cực hơn hoặc xấu hơn. Nhà đầu tư cũng phải cập nhật liên tục tình hình hoạt động của công ty niêm yết, phải có bản lĩnh nhất định để đưa ra chiến lược đầu tư, tuân thủ theo chiến lược đề ra, không mua và bán theo kiểu bầy đàn”.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Đến khi trắng tay mới bắt đầu học là quá trễ

Tỷ phú Warren Buffett - người duy nhất trên thế giới đầu tư CK đạt tỷ suất sinh lời 50%/năm trong suốt 50 năm qua - cho rằng: “Chỉ khi thủy triều xuống, mới biết ai đi bơi mà không mặc đồ bơi”. Trong khoảng hai năm trở lại đây, thị trường CK đi lên, một số nhà đầu tư có thể thu lợi nhưng phải trải qua cả chu kỳ (có tăng, có giảm), mới biết ai thắng, ai thua. Để biết có lời hay không, cần phải so sánh mức trung bình của thị trường thông qua các chỉ số. Trong năm 2020, VN Index tăng 70%, còn HNX-Index tăng 120%. Tham gia đầu tư từ ba năm trở lên và thắng liên tục qua các chỉ số này mới được gọi là giỏi.
Hiện nhiều nhà đầu tư F0 bị lôi kéo ủy thác tiền cho một số nhà môi giới “lướt sóng” với cam kết bao lời, nhưng thực tế, khi lời thì chia đôi, khi lỗ thì nhà đầu tư chịu. CK thuộc nhóm đầu tư rủi ro và có độ khó nhất định. Nhà đầu tư cần trau dồi kiến thức trước khi tham gia. Để đến khi trắng tay rồi mới bắt đầu học là quá trễ.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CK Maybank Kim Eng (MBKE)

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/cu-soc-cua-nha-dau-tu-chung-khoan-723854.html