Chứng khoán kỳ vọng vào sóng nâng hạng

Thông tin thị trường chứng khoán có thể sớm được nâng hạng đã tạo động lực tăng giá cho nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Nhóm chứng khoán có triển vọng kinh doanh tích cực từ năm 2025.

Nhóm chứng khoán có triển vọng kinh doanh tích cực từ năm 2025.

Triển vọng nâng hạng thị trường

Gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến khả quan, một số mã tăng giá mạnh như SSI, HCM, VCI…, chủ yếu đến từ kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ các quỹ thụ động và quỹ chủ động.

Dòng vốn này không chỉ giúp các công ty chứng khoán tăng thêm doanh thu từ phí giao dịch, mà còn định giá lại thị trường theo hướng tăng, đồng nghĩa với các công ty có hoạt động tự doanh có cơ hội ghi nhận lợi nhuận vượt trội. Nhiều công ty chứng khoán đang có động thái tăng vốn điều lệ để chuẩn bị nguồn lực cho cuộc đua sau khi thị trường được nâng hạng.

Theo đánh giá mới nhất của FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí quan trọng trong việc xét duyệt nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Về tiêu chí không yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (Non-prefunding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, hiện công ty chứng khoán đã được phép nhận lệnh mua, dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh, dựa trên mức ký quỹ thỏa thuận trong hợp đồng.

Thông tư số 68/2024/TT-BTC mà Bộ Tài chính vừa ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho nghiệp vụ Non-prefunding và nhiều công ty chứng khoán đã sớm hoàn thiện quy trình để áp dụng. FTSE đang cần thêm ý kiến đánh giá từ phía các quỹ đầu tư ngoại về vấn đề này, nhiều khả năng sẽ sớm được đáp ứng trong kỳ đánh giá tháng 3/2025.

Đối với vấn đề “các giao dịch thất bại và việc xử lý”, cho đến nay, Việt Nam chưa có giao dịch thất bại nào, nhưng điều này không có nghĩa là FTSE tìm kiếm các giao dịch thất bại để đánh giá, mà tìm kiếm xem liệu có quy trình nào để quản lý các giao dịch thất bại nếu sự kiện đó xảy ra hay không và liệu chi phí có phù hợp hay không.

Về vấn đề này, Tổng công ty Lưu ý và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VDSC) đang nghiên cứu để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm thành lập Trung tâm đối tác bù trừ (Central Counterparty - CCP).

Có CCP, Tổng công ty sẽ phòng ngừa rủi ro thanh toán cho thị trường chứng khoán cơ sở theo Thông tư 119/2020/TT-BTC, đảm bảo nhiều lớp đệm tài chính an toàn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán MB nhìn nhận, CCP là vướng mắc cuối cùng cần phải xử lý để đáp ứng toàn bộ các tiêu chí nâng hạng của FTSE.

Nhiều khả năng, việc hoàn thiện phải đến quý II/2025 mới xong, nên kịch bản khả thi nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải chờ đến kỳ đánh giá tháng 9/2025 của FTSE để được công bố nâng hạng.

Theo ước tính về tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ thị trường mới nổi khi được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ ETF khoảng 1 tỷ USD có thể chảy vào thị trường ngay trong năm được nâng hạng và khoảng 5 - 6 tỷ USD từ các quỹ chủ động và các quỹ ETF khác sẽ vào sau, trong vòng 3 - 4 năm.

Việc được nâng hạng sẽ tăng cường sự tham gia của các tổ chức nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời cải thiện tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước, từ đó giúp thị trường giao dịch sôi động, thanh khoản gia tăng và đối tượng hưởng lợi đầu tiên là khối công ty chứng khoán.

Nhóm chứng khoán có triển vọng kinh doanh tích cực từ năm 2025, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, để tìm được các công ty chứng khoán có lợi thế nhất trong “sóng nâng hạng”, nhà đầu tư cần lưu ý đến hai yếu tố sau.

Thứ nhất, công ty có thị phần lớn, đặc biệt ở nhóm khách hàng tổ chức. Kể từ đầu tháng 11/2024, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền, tạo cơ hội kinh doanh mới với các công ty chứng khoán, nhất là công ty có thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài lớn hoặc đang đẩy mạnh thu hút nhóm khách hàng này.

Thứ hai, công ty có nguồn vốn lớn, cho phép mở rộng giao dịch ký quỹ với nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài. Nhìn rộng hơn, khi thị trường được nâng hạng, giá trị giao dịch sẽ tăng cùng với nhu cầu giao dịch ký quỹ tăng lên, các công ty có khả năng mở rộng nguồn vốn cho vay ký quỹ sẽ có nhiều lợi thế.

Khả năng mở rộng nguồn vốn hiệu quả thường tập trung vào các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng vì có nguồn vốn chi phí thấp, hoặc các công ty có khả năng huy động vốn quốc tế.

Tích lũy cho năm 2025

Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, các cổ phiếu chứng khoán có triển vọng tốt trong những năm tới, với kỳ vọng thị trường được nâng hạng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức định giá cao hơn bình quân trong quá khứ.

Chẳng hạn, P/E của SSI, HCM và VCI lần lượt là 17,5 lần, 21,3 lần và 24,2 lần so với giá trị trung vị 5 năm qua là 16 lần, 14 lần và 13,4 lần. Thêm vào đó, thời điểm thị trường được nâng hạng có thể lùi sang năm 2026 và kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khó có thể tăng trưởng vượt bậc trong ngắn hạn.

“Giá thị trường của các công ty chứng khoán đã phản ánh kết quả kinh doanh năm 2024 và đang phản ánh một phần kỳ vọng hưởng lợi từ việc nâng hạng. Với tầm nhìn nắm giữ dài hạn (1-3 năm) thì nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân ở thời điểm hiện tại”, ông Trung nói và cho rằng, trong ngắn hạn, cổ phiếu chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng và biến động theo thị trường chung, trường hợp giá điều chỉnh sẽ là cơ hội để tích lũy cho năm 2025.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán đang đắt, nhờ kỳ vọng có phần mơ hồ của nhiều nhà đầu tư. Khi thị trường được nâng hạng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có triển vọng được hưởng lợi nhiều hơn.

Thời gian qua, giao dịch chủ đạo của khối ngoại vẫn là bán ròng. Nhìn lại lịch sử các thị trường cận biên, trước khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường thường tăng giá và thu hút vốn ngoại, trong khi thị trường Việt Nam có cơ hội được nâng hạng vào tháng 3/2025 mà khối ngoại chưa có động thái mua ròng.

Theo ông Khánh, năm 2025 được kỳ vọng là chu kỳ outperform (khả quan) của thị trường mới nổi so với thị trường phát triển nên Việt Nam có thể hy vọng một sự thay đổi theo hướng tích cực của dòng vốn ngoại. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần lưu ý, vốn điều lệ các công ty chứng khoán hiện đã vượt xa so với thời điểm năm 2022, nhưng lợi nhuận vẫn chưa quay trở lại thời kỳ đó.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-ky-vong-vao-song-nang-hang-post359962.html