Du lịch Huế đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2025

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương. Đây cũng là năm Thừa Thiên - Huế đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, hứa hẹn tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch Cố đô dựa trên thế mạnh đặc biệt từ di sản văn hóa.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc, ngành Du lịch tỉnh phấn đấu trong năm 2025 sẽ thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách đến Huế, trong đó khách nội địa chiếm 55 - 60%. Tổng doanh thu từ du lịch dự kiến khoảng 68.000 tỷ đồng.

Để đạt được những con số này, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, tỉnh sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm Du lịch Quốc gia 2025; xúc tiến mở đường bay giữa tỉnh và các thị trường trong, ngoài nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc; hợp tác các hãng lữ hành lớn ở cả thị trường truyền thống, lớn và mới; kết nối khách du lịch tàu biển, khách du lịch thuê nguyên chuyến (charter) bằng tàu bay và tàu hỏa...

Bên cạnh đó, địa phương ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế khác biệt là du lịch biển, đầm phá; du lịch cộng đồng, gắn với các làng nghề; du lịch ẩm thực, khám phá văn hóa; du lịch văn hóa tâm linh, khám, chữa bệnh… Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; xây dựng hệ thống và số hóa cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch.

Khắc phục hạn chế về nhân lực, cơ sở hạ tầng, Thừa Thiên - Huế sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp kinh doanh du lịch và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Các dự án du lịch trọng điểm như Casino Laguna, Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô… và các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hay các dự án hạ tầng kết nối giao thông đồng bộ, gắn với phát triển du lịch sẽ được chính quyền địa phương quan tâm gỡ vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào sử dụng thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho hay, tỉnh đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh Luật Di sản, Luật Đầu tư công có thể áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp có nguồn lực nhằm khai thác giá trị di sản, đem đến sản phẩm phục vụ cho sự phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên, khái niệm bảo tồn và quản lý theo quy định của luật pháp vẫn là vấn đề ưu tiên.

Di sản văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Đặc biệt với một địa phương đặc thù như Huế, di sản đã mang lại giá trị lớn, nét riêng cho du lịch Huế và cũng từ nguồn thu du lịch quay trở lại giúp di sản được bảo tồn xứng đáng. Thừa Thiên - Huế đã được Bộ Chính trị định hình con đường phát triển và đi theo định hình đó một cách đúng đắn, hợp lý. Chặng đường phía trước đặt ra cho tỉnh là yêu cầu phát triển hài hòa giữa di sản văn hóa và du lịch cũng như phát huy tối đa giá trị của chúng.

Mai Trang

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/du-lich-hue-dat-nhieu-ky-vong-trong-nam-2025-post306001.html