Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh sau 2 tuần tăng giá liên tiếp
Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 11/2, khi những lo ngại gia tăng về nguy cơ quan hệ giữa Nga và Ukraine diễn biến xấu đi đã khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro cao như chứng khoán.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ).
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 503,53 điểm, hay 1,4%, xuống 34.738,06 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 85,44 điểm, hay 1,9%, xuống 4.418,64 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq sụt giảm đến 394,49 điểm, hay 2,8% và đóng phiên với 13.791,15 điểm.
Phiên này, chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Nhà Trắng cảnh báo quan hệ giữa Nga và Ukraine có thể diễn biến xấu đi và giới đầu tư đánh giá kết quả khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp mới trong 10 năm qua vào đầu tháng 2, trước những lo ngại về tình trạng lạm phát gia tăng.
Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 11/2 của Đại học Michigan (Mỹ), chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ đã giảm từ mức 67,2 điểm trong tháng 1 xuống mức 61,7 điểm trong nửa đầu tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.
Như vậy, cả 3 chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong tuần qua, qua đó chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng điểm trước đó. Trong đó, chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất với mức giảm 2,2% trong cả tuần, tiếp đến là chỉ số S&P 500 với mức giảm 1,8% và chỉ số Dow Jones với mức giảm 1%.
Trước đó, trong phiên đầu tuần, 2 trong số 3 chỉ số chính của Phố Wall là chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm điểm khi giới đầu tư chờ đợi số liệu quan trọng về giá tiêu dùng trong tuần này, để xác định mức độ phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với vấn đề lạm phát.
Sau đó, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong 2 phiên liên tiếp 8/2 và 9/2, khi giới đầu tư rũ bỏ những lo ngại về kế hoạch nâng lãi suất của Fed để đón nhận những kết quả kinh doanh tích cực của khối doanh nghiệp trong quý IV/2021 và lạc quan về những chuyển biến tích cực của dịch COVID-19.
New York đã gia nhập danh sách các bang của Mỹ dỡ bỏ quy định yêu cầu đeo khẩu trang. Đây một bước đi mang tính biểu tượng nhằm khôi phục cuộc sống bình thường sau khi số ca mắc COVID-19 giảm mạnh kể từ giữa tháng 1/2022.
Tuy nhiên, đến phiên 10/2, chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm mạnh, khi nhà đầu tư đặt cược rằng báo cáo lạm phát mới nhất sẽ buộc Fed phải đẩy nhanh nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/2 cho biết giá tiêu dùng của nước này tiếp tục tăng ở mức cao nhất gần 40 năm qua, ở mức 7,5%, trong tháng 1.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg News (Mỹ), Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard, đã đề cập đến khả năng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu mức mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 3 và bày tỏ mong muốn tăng lãi suất lên mức 1% vào tháng 7.
Những nhận xét đó đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng đặt cược theo hướng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều hơn vào tháng 3, đồng thời giúp nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên trên 2%.
Chuyên trang tài chính Briefing.com (Mỹ) cho biết mặc dù thị trường đã dự đoán một loạt đợt tăng lãi suất trong năm nay, nhưng bình luận của ông Bullard đã làm dấy lên lo ngại rằng kế hoạch thắt chặt chính sách của Fed có thể quyết liệt hơn và sớm hơn dự kiến do áp lực lạm phát dai dẳng.
Chuyên gia cổ phiếu Terry Sandven thuộc ngân hàng (Bank) Wealth Management của Mỹ cho biết: “Cổ phiếu vẫn chịu áp lực. Trong ngắn hạn, sự ổn định của giá cổ phiếu khó có thể xảy ra cho đến khi rõ hơn về thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed”.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) lại nhận định rằng nhiều nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế và kể cả khi phải đón nhận một báo cáo lạm phát "nóng hơn" và Fed có thể tăng lãi suất năm lần trong năm nay, nhu cầu đối với chứng khoán Mỹ vẫn mạnh mẽ./.